Dân Việt

Thí điểm BHNN: Sẽ điều chỉnh để đảm bảo lợi ích nông dân

10/05/2012 10:36 GMT+7
(Dân Việt) - Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ cùng với các bộ, ngành rà soát, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho nông dân.

Trao đổi với NTNN, ông Trịnh Thanh Hoan - Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (BH) - Bộ Tài chính cho biết: Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ cùng với các bộ, ngành rà soát, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho nông dân.

Sau 8 tháng triển khai thí điểm BHNN, thực tế người nông dân vẫn chưa thể mua BH cho cây lúa, con lợn của mình do phí BH quá cao, ông đã nắm được vấn đề này chưa?

- Phí BH của chúng ta hiện nay phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, không phải do tự doanh nghiệp (DN) thực hiện. Ở các nước như Thái Lan, phí BHNN doanh nghiệp quy định là 11%, Trung Quốc 6,2%. Còn phí BH của VN được Chính phủ bảo lãnh, nên đều thấp hơn 2 nước trên (ở mức 5,2%). Cũng do phí thấp hơn các nước, nên các DN BH trong nước khi đàm phán tái BH với DN nước ngoài thì khó khăn, họ đều không nhận BH rủi ro cho mình.

img
Nông dân Phú Yên gặt lúa bị ngập lũ.

Ông có thể giải thích, vì sao BH của chúng ta lại phụ thuộc vào thị trường bên ngoài?

- Nguyên nhân chính do DN của chúng ta chưa có đủ nguồn lực để thực hiện BHNN. Nếu không đàm phán, hợp tác với các DN tái BH nước ngoài, thì không thể BH nổi. Nhiều DN đã "đấu" cật lực rồi để các nhà tái BH nước ngoài hợp tác nhưng họ đều không chấp nhận BH do phí của mình thấp. DN "xoay" bằng cách mở rộng lĩnh vực BH để "lấy chỗ nọ bù chỗ kia" nhưng cũng không ăn thua, rất khó thực hiện BH.

Nếu vậy, tại sao mức đền bù BHNN hiện nay lại bị cho là thấp, chưa tương xứng với phí mà nông dân phải mua, thưa ông?

- Bộ NNPTNT đã công bố các văn bản lớn để người nông dân nắm rõ thế nào là thiên tai, thế nào là dịch bệnh, thế nào là quy mô sản xuất hàng hóa để được BH. Điều quan trọng nhất hiện nay là nông dân phải được hiểu thật kỹ về BHNN.

Nếu trước đây chúng ta BH mọi rủi ro của nông nghiệp, thì lần này với cây lúa, chúng ta chỉ BH theo sản lượng và ưu tiên bồi thường cho những thảm họa. Hay với thủy sản, chúng ta cũng lấy cấp xã làm cơ sở đánh giá để bồi thường rủi ro...

BHNN sẽ phải theo hợp đồng nên quyền lợi và trách nhiệm đã được quy định trong các quy tắc bảo hiểm. Ví dụ, nông dân mua một con bò hết 9 triệu đồng, không may rủi ro con bò bị chết thì nông dân không thể được BH 100% vốn (tức 9 triệu đồng), mà chỉ được hỗ trợ một phần, tùy thuộc rủi ro. Nông dân cũng phải sản xuất, chăn nuôi theo quy trình mới được BH.

Phần lớn các hộ tham gia BHNN hiện nay là hộ nghèo, còn các hộ sản xuất lớn, họ trả lời thẳng sẽ không tham gia. Như vậy, chứng tỏ chính sách của chúng ta không sát thực tế. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?

- Chúng tôi đang cùng các bộ, ngành nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn phát sinh trong thực tế, vì đây là thí điểm nên chúng ta phải vừa làm vừa khắc phục, rút kinh nghiệm để việc thí điểm BHNN được triển khai tốt hơn. Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ BH rủi ro cho nông nghiệp (hiện Chính phủ đang hỗ trợ phí bảo hiểm), nhưng cũng đang khó vì Chính phủ cũng khó có khả năng "ôm" hết thảm họa trong nông nghiệp để hỗ trợ rủi ro. Quyết tâm của Chính phủ là phải đảm bảo quyền lợi cho nông dân; do vậy yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát lại hết các chính sách để điều chỉnh cho phù hợp. Tới đây, chúng tôi sẽ họp bàn về việc này.

Xin cảm ơn ông!