Theo kế hoạch, đầu tháng 9.2012 tới đây, công trình xử lý nước mặn thành nước ngọt này sẽ chính thức được đưa vào sử dụng, chấm dứt cơn khát nước ngọt luôn ám ảnh người dân của hòn đảo này suốt mấy trăm năm qua. Trên 100 gia đình của đảo Bé có thể nói lời vĩnh biệt những chiếc lu đựng nước của mình. Đây là những vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình trên đảo Bé từ bao đời nay.
Với cấu tạo địa chất đặc biệt, đảo Bé như một chiếc thùng không đáy. Hễ mưa xuống giọt nào là trôi tuột ra biển giọt đó. Các nhà địa chất của Việt Nam đã tốn rất nhiều công sức, khoan thăm dò rất nhiều mũi khoan trên khắp đảo Bé với hy vọng mong manh là có một mạch nước ngầm đâu đó xuất hiện.
Nhưng điều ấy mãi mãi chỉ là mơ ước của các nhà địa chất. Trừ những ngày mưa, dân đảo Bé gần như thiếu nước quanh năm. Họ sử dụng nguồn nước ngọt được dẫn từ mái nhà xuống các bể chứa một cách dè sẻn. Vào những năm đỉnh hạn, dân đảo Bé phải sang tận đảo Lớn để lấy từng can nước ngọt về dùng.
Có những năm, chính quyền xã An Bình (tức đảo Bé) đã phải xuất kho dự trữ nước ngọt nhiều lần để “cứu khát” cho 500 công dân của đảo vì giá mỗi mét khối nước được vận chuyển từ đảo Lớn sang bán với giá 200.000 đồng, một số tiền quá lớn với người dân hòn đảo này.
Công ty Doosan Vina - một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, từ nhiều năm qua đã có những nghĩa cử rất đáng trân trọng đối với tỉnh Quảng Ngãi. Từ việc xây Trường Mầm non “Ước mơ Doosan Vina”, rồi khám bệnh, mổ mắt miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân và đưa hàng chục đứa trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch sang Hàn Quốc để phẫu thuật, giờ đến chuyện “giải cơn khát” cho dân đảo Bé bằng cái công trình rất có ý nghĩa này.
Vậy là, sau khi xuất khẩu hàng loạt linh kiện xử lý nước biển thành nước ngọt sang các nước Ả Rập hồi năm 2010, giờ đây, Doosan Vina đã áp dụng công nghệ rất độc đáo và đầy tính nhân văn này ngay trên đảo Bé của Lý Sơn. Không chỉ giúp cho 500 nhân khẩu trên đảo Bé có 200m3 nước mỗi ngày, công trình còn kèm theo hệ thống máy phát điện, có thể thắp sáng cho trên 100 gia đình của đảo.
Có thể nói, dân đảo Bé có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới, đến một ngày nào đó, mình lại có thể sử dụng nguồn nước ngọt ngay trên đảo Bé mà không phải từ những chiếc lu.
Vĩnh biệt những chiếc lu cũng là vĩnh biệt cơn khát nước ngọt đã ám ảnh mấy trăm năm nay của người dân đảo Bé. Làm ăn hiệu quả, lại còn làm từ thiện bằng nhiều hình thức và nhiều công trình hữu ích, nghĩa cử ấy đáng để mọi người chúng ta biết ơn và trân trọng.
Hà Nhiên