Muốn sạch vào nhà hàng mà ăn
Bởi thế mà chuyện trong món ăn thường kèm theo hàng "khuyến mãi" như con sâu, cọng dây thun, thậm chí tăm xỉa răng cùng nhiều thứ trời ơi khác. Khi phát hiện hàng "khuyến mãi", khách liền báo cho chủ quán biết, gặp chủ quán biết điều thì xin lỗi là cùng, còn gặp chủ quán là người "điều gì cũng biết, nhưng không biết điều" thì chỉ nhận được cái trừng mắt "thay lời muốn nói" kiểu: "Im đi để người ta còn bán cho người khác". Thậm chí có chủ quán đòi "đập vỡ mồm" khách chỉ vì "nói như thế, lần sau ai ghé ăn nữa".
Cách đây không lâu, ghé quán cơm cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa, tôi bị gã chủ quán mặt mày như dân anh chị rít vào tai: "Mày ăn được thì ăn, không ăn được thì đổ đi, tính tiền rồi biến" chỉ vì tôi lỡ nói đĩa rau có hai con sâu đang bò.
Lần khác, tại quán cơm bụi trên đường Phan Văn Trị, tôi bị bà chủ quán chửi như tát nước bằng giọng vừa nhân đạo vừa chợ búa vì phát hiện tô canh có sợi dây thun: "Em ơi, ở đây chị bán đĩa cơm có 13.000 đồng thôi.
Tiền nào của ấy, muốn ngon muốn sạch thì vào nhà hàng mà ăn, chứ ăn cơm bụi giá rẻ thì em nín đi để chị còn bán cho người khác. Lộn xộn thì thằng giữ xe ngoài kia nó thịt em đó". Rồi bà gọi gã giữ xe người đầy hình xăm vào bảo tôi tính tiền, dù dĩa cơm vừa bưng ra tôi chưa ăn miếng nào. Thế mới biết, không phải quán cơm nào cũng xem "khách hàng là thượng đế".
Tôi có quen người bạn chạy xe ba gác máy "trường kỳ cơm bụi", kể: "Bữa nọ, tôi ghé quán cơm bụi trên đường Ung Văn Khiêm. Kêu đồ ăn xong, ngồi đợi hơn 15 phút vẫn chưa có, tôi hối họ làm nhanh, thì con nhỏ đứng bới cơm cỡ tuổi con tôi nói: "Ông chết đói hay sao mà hối dữ vậy, chờ tí, không thì đi chỗ khác ăn".
Tức vì nó hỗn, tôi méc với bà chủ quán đang đứng gắp thức ăn, thì bả chửi tôi: "Đ.M mày tưởng mày bỏ ra vài ngàn ăn cơm là muốn làm cha thiên hạ hả, mày ăn được thì ăn, không thì cút đi, không tao kêu tụi nó đập chết mẹ mày bây giờ". Cũng may tôi không nói thêm tiếng nào, xin lỗi bả rồi lên xe nổ máy đi, chứ cãi lại chắc đói cơm mà no đòn".
Cơm bụi thì phải có... bụi
Phải thừa nhận các quán cơm bụi mang đến với sinh viên, người lao động nghèo những bữa ăn rẻ mà no. Còn vấn đề ngon và vệ sinh, thì có vẻ xa xỉ. Đó là chưa kể những quán cơm cạnh bãi rác, điểm thu mua phế liệu, hay vỉa hè cạnh bờ tường có chữ "cấm đái" hay bạo lực hơn là "thằng nào đái bậy tao cắt", nơi khách vừa ăn cơm vừa ngửi mùi xú uế.
Tại quán cơm bụi cạnh Trạm trung chuyển rác đường Phạm Văn Bạch, trước bờ tường đối diện quán, hàng núi bao nilông phế liệu chất ngổn ngang, thêm vài điểm giết mổ gà vịt hoạt động từ sáng sớm đến chiều tối, nhưng lúc nào cũng đông khách là dân lao động nghèo. Nhưng với dân lao động nghèo thì bụi bặm, hôi hám sá gì, bởi cơm rẻ chỉ 10.000 đồng một đĩa. Hơn nữa ăn ở đây, người ta mới hiểu đúng nghĩa của từ cơm bụi.
Ghé vào quán cơm bụi đường Tân Sơn, gọi là quán cho sang, chứ thật ra chỉ là vài mét vuông vỉa hè, có căng tấm bạc che nắng. Hai cái bàn, vài ba món ăn để trong tủ bán nước giải khát, cơm đựng trong thùng xốp thường dùng đựng nước đá. Đúng là quán cơm bụi nghèo nhất lần đầu tiên tôi gặp trong hơn chục năm ăn cơm bụi Sài Gòn.
Gọi đĩa cơm sườn chưa kịp ăn, ngồi nhìn "ông đi qua, bà đi lại" một lúc, thêm vài chiếc xe tải chạy qua thì đĩa cơm đã bị bụi bám đen thui, tôi ngây ngô hỏi bà chủ: "Cơm gì bụi quá vậy cô?". Bà chủ cười, trả lời hồn nhiên như cô tiên: "Cơm bụi thì phải có bụi chứ, hớt cái bụi bỏ đi rồi ăn đại đi, chứ để tí nữa khỏi ăn luôn".
Bà khỏi nhắc, tôi cũng không dám ăn miếng nào. Trả tiền cho đĩa cơm chưa đụng tới, vác bụng đói meo đi tìm quán cơm khác, hy vọng sạch hơn quán này. Đúng là "trời không phụ lòng người… đang đói", đi tí xíu đã thấy một quán cơm, mùi thịt nướng tỏa ra thơm phức. Đang loay hoay tìm chỗ để xe, bỗng thấy gã nướng thịt làm rơi miếng thịt xuống nền gạch đen thui.
Cúi xuống gấp miếng thịt lên, gã đập đập vào bên hông lò nướng, và cho lên lò nướng như nó chưa từng bị rơi. Lúc này tôi mới giật mình quan sát kỹ "cấu hình" của gã nướng thịt, áo quần dơ dáy, chân không mang dép, quần ống xăn ống xổ nhìn thất kinh, thế là lên xe phóng một mạch, về nhà ca tiếp điệp khúc "trưa về một gói mì tôm".