Dân Việt

Ngư dân hợp tác chống “bão” giá

11/05/2012 14:00 GMT+7
(Dân Việt) - Thời gian qua, giá xăng dầu, ngư lưới cụ, thực phẩm tăng cao, trong khi sản lượng khai thác, giá hải sản lại giảm. Để có thể bám biển lâu dài, ngư dân đã nghĩ ra nhiều sáng kiến tiết kiệm chi phí.

Từ những tổ hợp tác…

Theo tính toán của ngư dân, trước đây, mỗi chuyến biển trung bình dài 30 ngày, đối với tàu đánh bắt xa bờ cần khoảng 150 - 180 triệu đồng chi phí, thì hiện nay, mỗi chuyến biển tốn từ 180 - 230 triệu đồng. Chi phí tăng buộc các chủ tàu phải tính toán kỹ lưỡng trước khi ra khơi để tránh bị thua lỗ.

img
Khi ra khơi đánh cá, các tàu đều liên kết với nhau thành tổ hợp tác, có dịch vụ hậu cần riêng.

Theo đó, ngư dân tỉnh Cà Mau đã hình thành những tổ hợp tác nghề cá trên biển, mỗi tổ có từ 10 – 20 chiếc tàu. Khi ra khơi, bà con tổ chức những tàu chuyển tiếp nhiên liệu đi theo để cung cấp dầu cho tàu cá. Như vậy, tàu nhận dầu từ đây để tiếp tục bám biển dài ngày, thay vì hết dầu phải chạy vào bờ mua như trước đây.

Tương tự như vậy, bà con hình thành những dịch vụ hậu cần bằng việc tổ chức riêng những chiếc tàu chở sản phẩm từ biển vào đất liền. Như vậy khi khai thác được nhiều sản phẩm thì đã có tàu nhỏ chở vào, còn tàu lớn có thể tiếp tục bám biển để săn bắt. Đối với việc cung cấp nước đá cây để ướp tôm cá cũng tổ chức dịch vụ theo hình thức như vậy.

Ngư dân Nguyễn Tấn An ở TP.Cà Mau cho biết: “Trước đây, vào thời điểm nghỉ ngơi trên biển, tàu vẫn nổ máy 24/24 giờ. Nay chúng tôi tìm đảo để cặp, hoặc thả neo rồi tắt máy. Mỗi sáng kiến tiết kiệm một ít. Tất cả cộng lại cũng giúp giảm chi phí từ 50 – 100 triệu đồng cho một chuyến đi biển dài ngày”.

... đến việc hình thành đội tàu hậu cần thủy sản

Để tiết kiệm nhiên liệu trong khai thác, thời gian gần đây, một số tàu cá trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chuyển đổi hẳn chức năng sang làm dịch vụ hậu cần thủy sản. Những con tàu này liên kết với nhau hình thành nên đội tàu hậu cần có công suất lớn cùng theo ngư dân ra khơi xa. Trong 1 tháng, mỗi tàu dịch vụ sẽ thay phiên nhau ra khơi để vận chuyển nhiên liệu, thức ăn, nước uống, nước đá, ngư lưới cụ... cung ứng cho tàu đánh bắt cá dài ngày trên biển, đồng thời thu mua hải sản chuyển vào cung ứng cho các đại lý, chủ vựa cá ở các bến.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhận định: “Với phương thức tàu hậu cần, hải sản được gửi về đất liền sớm trong vòng 3 – 7 ngày nên chất lượng được nâng lên hẳn bởi hầu như không phải sử dụng bất cứ hóa chất bảo quản nào. Giá bán theo đó cũng được tăng lên, không còn bị chủ nậu ép giá, công tác xuất khẩu càng được thuận lợi hơn”.

Bà Diệp Thị Út ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 tàu đánh bắt xa bờ, chia sẻ: “Với giá xăng dầu như hiện nay, nếu cả 5 tàu cùng ra vào đất liền thì chi phí rất cao. Nhờ hợp tác với đội tàu hậu cần trên biển, tôi tiết kiệm được chi phí từ 50 - 80 triệu đồng/tàu. Trước, mỗi chuyến đi biển lâu lắm là 30 – 35 ngày phải quay về vì sợ cá tôm ươn, nay có thể bám biển dài ngày hơn 3 - 4 tháng vẫn được vì sản phẩm đã chuyển cho tàu hậu cần đem về trước”.

Ông Phạm Văn Minh -chủ của 7 tàu hậu cần ở TP.Vũng Tàu, cho biết: “Trung bình mỗi chuyến đi, một tàu hậu cần của tôi sẽ thu mua khoảng 50 tấn hải sản của 8 - 10 tàu đánh bắt xa bờ với giá như mua tại bờ. Nhờ đó, ngư dân giảm chi phí đầu ra, còn thương lái thì mua được hàng tươi sống. Như vậy, cả hai bên đều có lợi”.

Mô hình này cũng được các tỉnh áp dụng với phương thức mở rộng hơn: Giữa các công ty, tập đoàn thủy sản với ngư dân. Như Công ty CP Thủy sản Hải Vương tổ chức ra khơi câu cá ngừ đại dương với 1 tàu có công suất lớn của mình cùng 5 tàu nhỏ của ngư dân. Tàu của công ty có công suất 1.200 CV, trọng tải 640 tấn, trang bị hệ thống cấp đông nhanh -50 độ C, máy thu phát sóng HF tầm xa và định vị vệ tinh GPS. Tàu này lãnh trách nhiệm cung ứng tại chỗ nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm, cứu nạn cứu hộ và thu mua sản phẩm cho tàu của ngư dân.