Dân Việt

Hiên ngang Trường Sa: “Thành phố” giữa Biển Đông

11/05/2012 06:16 GMT+7
(Dân Việt) - Sau 2 ngày vượt biển, Trường Sa - quần đảo cực Đông của Tổ quốc, hiện dần phía chân trời, sáng lung linh và đẹp ngoài sức tưởng tượng của tôi...

Ốc đảo của chim biển

Trước chuyến đi nhiều mong đợi này, tôi đã tìm gặp “người của Trường Sa”, đại tá Trịnh Lương Vượng - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn Trường Sa, nguyên Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, nhiều năm liền từng bảo vệ đảo Trường Sa sau giải phóng (từ tháng 6.1975 đến năm 1978).

img
Cầu cảng ở đảo Trường Sa lớn.

Nhắc đến Trường Sa, ông hào hứng hẳn lên: “Chỉ vài năm vắng mặt ở Trường Sa, quay lại đã thấy đổi thay kỳ lạ. Trường Sa bây giờ như một thành phố nổi giữa Biển Đông”.

Ông Vượng kể: Những ngày đầu sau giải phóng, Trường Sa chẳng khác nào một ốc đảo của chim biển. Những đàn chim hàng vạn con, chiều chiều bay về như những đám mây khổng lồ, đen kịt cả bầu trời. Lính không ăn thịt chim vì muốn bầu bạn. Mà chúng cũng thân thiết với lính như “ruột thịt”. Chỉ cần một tiếng gọi bạn là hàng chục con sà tới đậu đầy lên đầu, lên vai lính.

Chiều nào lính đi đánh bóng về cũng buộc phải chi ra chút nước ngọt để… tráng đầu bởi phân chim “nhuộm” trắng tóc. Muốn bê mâm thức ăn từ bếp lên lính phải căng bạt che… phân chim nếu không muốn thức ăn bốc mùi thải ra từ lũ chim tinh quái.

Những ngày dông gió, lính phải “chiến đấu” với chim tìm chỗ nằm. Chim rúc vào chăn, quần áo, giường chiếu và lúc chúng ra đi, chúng không quên để lại cả bầy… rận. Có thời điểm, Hải quân mở hẳn “chiến dịch” diệt rận chim cứu lính.

Trường Sa ngày ấy chỉ có vẻn vẹn 3 loài cây có thể sống sót, đó là cây sâm nam, muống biển và phong ba. Cát ở Trường Sa rất đặc biệt, là loại cát mặn sinh ra từ san hô chết nên trồng cây gì cũng chết. Nhưng, từ ngày giải phóng, lính đảo đã “khai quật” những hố phân chim dày 2-3m, dùng để cải tạo những vuông đất màu mỡ, gieo hạt bí đỏ. Những năm ấy, ngọn bí đỏ là nguồn rau xanh duy nhất của lính đảo Trường Sa, còn thực phẩm là đồ hộp không đát (date)…

Xanh mát Trường Sa

Sau gần 2 ngày đêm vượt biển, mờ sáng, khách trên tàu ùa ra boong nhìn về dải đất lung linh sáng giữa đại dương xanh thẳm. Đến Trường Sa rồi! Xuồng cập sát cầu cảng, khách bước thẳng lên đảo không hề ướt chân.

Việc tưởng chỉ đơn giản vậy thôi nhưng là thành quả bao năm phá bãi san hô chết, lấn biển, mở luồng của lực lượng công binh. Chấm dứt cảnh tàu phải neo xa hàng trăm mét, căng dây để lính đảo lội bộ, vận chuyển từng bịch nước ngọt vào đảo.

Trên nền cát san hô và những bãi phân chim xưa, Trường Sa nay xanh mát nhiều loài cây chịu hạn, chịu sóng và những vườn rau, bãi cỏ. Dọc đường băng Trường Sa Lớn ẩn hiện nét mái đình Việt từ nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà khách Thủ đô… Nắng, nóng, gió như đảo An Bang, vốn được mệnh danh là chảo lửa, là “lò vôi thế kỷ” cũng đủ rau xanh cho mỗi bữa ăn của bộ đội. Tại đảo “hoa hậu” Trường Sa Đông rợp bóng cây xanh, lá mồng tơi to như… mũ cối!

Ngoài việc tham gia đắp san hô nâng cao nền đảo, trồng rau cũng là nhiệm vụ của lính. Hàng năm, đảo nào đạt chỉ tiêu thu được 5 – 6 tạ rau xanh, còn xuất sắc như Trường Sa Đông, hàng năm thu về cả tấn rau quả. Từ đầu năm 2011, toàn bộ 9 đảo nổi và 12 đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa đều được lắp các tấm pin năng lượng mặt trời hoặc các tua-bin điện gió, toàn bộ quần đảo có điện thắp sáng suốt đêm, đủ để xem tivi, dùng máy vi tính. Tới đây, máy lọc nước biển thành nước ngọt sẽ được trang bị cho các đảo và nhà giàn…

Chốn yên bình

Trưa Trường Sa nắng chát hơi biển, trong hàng quân và dân đón khách từ đất liền, có một cậu bé hút mọi ống kính máy ảnh, đó là cu Si. Trong trang phục chú hải quân nhí, dường như tự hào vì được sự yêu mến của các chú lính đảo và khách từ đất liền, cu Si tạo dáng rất ngộ.

Từ ngày ra trụ trì chùa Trường Sa Lớn, sư Nghĩa bắt đầu trì tụng lại kinh Pháp Hoa và kính lạy mỗi chữ một lạy trong bộ kinh hàng chục triệu lời này. “Tôi cầu nguyện cho chủ quyền tại vùng Biển Đông của Việt Nam mãi trường tồn, không bị xâm lấn...” - ông nói.

Cũng giống như hàng chục trẻ em đang sống cùng cha mẹ ở đảo Trường Sa Lớn, cu Si có trường để đi học hàng ngày, có khu vui chơi để nô đùa và háo hức thức dậy từ mờ sáng đón khách đến thăm đảo. Si được sống trong sự đùm bọc và yêu thương hết mực của những chú bộ đội hải quân xa nhà, nhớ đất liền...

Còn thầy Thích Giác Nghĩa - người trụ trì chùa Trường Sa Lớn lại như một tư vấn viên của lính đảo Trường Sa. Ngày ngày ông pha những ấm trà nóng, ngồi trò chuyện với lính đảo dưới tán phong ba cạnh chùa. Chiều chiều ông hào hứng đá bóng, đánh bóng chuyền với lính đảo. Ông bảo, ở nơi xa đất liền thiếu một số vật chất thiết yếu cho phật sự, nhưng ông có thêm những người ruột thịt là lính đảo Trường Sa.

Bài 2: Bài thơ thần trên đảo Đá Tây