Các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng wearable để nâng cao hiệu quả kinh doanh chăng và nên như thế nào?
Hơn một thập kỷ trước, khi smartphone còn chưa thịnh hành, TomTom, một trong những hãng cung cấp dịch vụ định vị toàn cầu (GPS) lớn nhất thế giới đã “cười khẩy” khi được hỏi họ đánh giá thế nào về triển vọng của smartphone.
Hiện nay, TomTom đã có hàng loạt sản phẩm dành cho điện thoại di động và sắp cho ra dòng đồng hồ đeo tay tích hợp GPS. Ngày nay thế giới có khoảng 1,5 tỉ smartphone nhưng chỉ có hơn 20 triệu thiết bị wearable.
Con số này được Cisco dự đoán sẽ đạt mức 177 triệu vào năm 2018, tức tăng gần chín lần trong bốn năm. Dưới đây là những thay đổi trong chiến lược phát triển sản phẩm mà các công ty.
Đồng hồ thông minh Pebble.
Đem wearable vào kế hoạch kinh doanh cụ thể: Khi mà các trang trại ở Israel đã bắt đầu nuôi bò sữa bằng robot, điều khiển từ xa thì các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc xem xét việc ứng dụng các công nghệ di động và wearable vào quy trình phát triển sản phẩm của mình.
Có thể nói Google Glass là sản phẩm wearable nổi bật nhất lúc này. Có khả năng định vị, trả lời tin nhắn, ghi âm, quay phim chụp ảnh, Glass là sản phẩm mang tính đột phá rất lớn: đã có một số báo thử nghiệm việc cho phóng viên của mình dùng Glass để tường thuật trực tiếp các sự kiện, hay một số bác sĩ dùng Glass để ghi âm quá trình phẫu thuật.
Dù chất lượng ghi hình và pin hiện tại còn chưa cao, và vấp phải vấn đề về pháp lý nhưng Glass sẽ thay đổi cách các công ty phát triển sản phẩm mới. Hay việc Samsung phát triển Galaxy Wear, Apple với iWatch, Pebble với sản phẩm đồng hồ thông minh cùng tên, có thể thay đổi thói quen cá nhân hay cách công ty vận hành ở quy mô lớn. Pebble “Smartwatch”, sản phẩm đồng hồ thông minh có khả năng kết nối với điện thoại di động, nhận tin nhắn, cuộc gọi, email, tin báo từ mạng xã hội hay sử dụng các ứng dụng di động, vừa ra mắt vào tháng 7 năm ngoái và bán sạch trong vòng năm ngày.
Theo chính Pebble công bố, người dùng sản phẩm đồng hồ này có thể giao tiếp với mọi người chung quanh dễ hơn, sức tập trung và tinh thần cũng tốt hơn vì cảm giác thoải mái và giảm thời gian sử dụng mắt ở cường độ cao. Đã có một số hãng công nghệ bắt đầu phát các đồng hồ thông minh cho nhân viên để tăng hiệu quả công việc.
Đo lường những tác dụng gián tiếp vào sản phẩm của công ty: Khi Facebook bỏ ra 2 tỉ USD để mua lại Oculus Rift, hãng sản xuất thiết bị kính thực tế ảo, giá cổ phiếu của công ty giảm 2% ngay trong ngày. Có thể nhiều nhà đầu tư chưa tin tưởng vào quyết định này, nhưng Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, đã thể hiện một tầm nhìn tuyệt vời hay theo như tạp chí Tech In Asia nói: “Facebook đã mua cả tương lai”.
Oculus Rift là thiết bị kính thực tế ảo: người dùng sẽ đeo một thiết bị như kính lặn để trải nghiệm khung cảnh 4D như thực của các trò chơi điện tử. Với Oculus Rift, Facebook có kế hoạch phát triển các dịch vụ liên quan đến giáo dục: giúp sinh viên trải nghiệm cảm giác thực trong lớp học tại nhà, hay việc khám chữa bệnh từ xa. Ngoài ra, năm 2011, hãng bảo hiểm Progressive của Mỹ cũng đề nghị khách hàng gắn và sử dụng Snapshot, một thiết bị wearable nhỏ có chức năng theo dõi hành vi người dùng khi lái xe; những ai đồng ý dùng Snapshot sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ Progressive.
Tác động lên cấu trúc xã hội trong công ty: Lấy ngành chăm sóc sức khoẻ (fitness) làm ví dụ: hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm wearable giúp đo đạc hoạt động trong ngày, cung cấp thông tin về sức khoẻ, tình trạng bệnh tật và tạo cảm hứng cho người dùng. Top sản phẩm về fitness trên thế giới hiện nay có bao gồm: Nike Fuelband, Jawbone UP, Fitbit Flex, Basis B1 và Misfit Shine. Mỗi sản phẩm có các chức năng và giao diện riêng, nhưng nhìn chung khả năng tạo và duy trì cảm hứng tập luyện là quan trọng nhất. Khi mọi người trong xã hội đều khoẻ mạnh hơn, cam kết, tập trung tốt hơn, chúng ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tài nguyên và tạo được bao nhiêu sản phẩm mới?
Đã có nhiều công ty bắt đầu đề nghị nhân viên dùng các thiết bị fitness để giúp “nâng cấp” cuộc sống cá nhân, từ đó tăng hiệu quả làm việc.
Wearable sẽ thay đổi cách các công ty vận hành và doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu làm quen với trào lưu này. Tất nhiên là hãy nghĩ đến công năng, hiệu quả của wearable chứ mua Google Glass về chỉ để đọc báo hay Pebble về cho đẹp, có thể sẽ gây lãng phí không đáng có!