Dân Việt

Khối ngành nông - lâm, sư phạm khởi sắc

11/05/2012 06:26 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 10.5, tại buổi bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi các trường ĐH, CĐ phía Bắc, lãnh đạo nhiều Sở GDĐT cho biết, thí sinh đã bắt đầu có xu hướng trở lại với ngành nông - lâm - ngư nghiệp và sư phạm.

Học sinh đã quan tâm tới ngành nông-lâm

Trong tổng số gần 80.000 hồ sơ Sở GDĐT Thanh Hoá chuyển cho 260 trường ĐH, CĐ thì số lượng hồ sơ của khối ngành nông lâm chiếm tương đối lớn so với năm trước. CỤ thể, trong top 10 trường ĐH có lượng hồ sơ nhiều nhất của Sở này, ĐH Nông nghiệp Hà Nội đứng thứ 2 với 6.313 hồ sơ.

img
Bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi tại Hà Nội ngày 10.5.

Ông Nguyễn Văn Long – Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GDĐT Thanh Hoá) cho biết: “Những năm trước lượng hồ sơ của khối ngành này thường rất ít. Số lượng tăng của năm nay chứng tỏ các em đã có những định hướng chọn nghề chắc chắn hơn, không chạy theo những khối ngành thời thượng đang bị cảnh báo là dư thừa lao động như kinh tế, tài chính, ngân hàng nữa”.

Bà Trần Thị Truyền – Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GDĐT Vĩnh Phúc cũng cho biết: “Trong tổng số 23.539 hồ sơ của tỉnh thì hồ sơ thi vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chiếm tỷ lệ nhiều nhất là 2.500 bộ”.

Tại Sở GDĐT Nam Định, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chiếm 1.471 hồ sơ, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là 403 hồ sơ, ĐH Nông nghiệp Hà Nội là 3.917 hồ sơ, ĐH Lâm nghiệp là 587 hồ sơ.

Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phấn khởi: “Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi trường nhận từ các tỉnh năm nay là 9.800 hồ sơ, cộng với số hồ sơ thí sinh nộp trực tiếp thì trường đã nhận 10.000 hồ sơ đăng ký dự thi, cao gấp rưỡi năm 2011”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GDĐT Hải Phòng lý giải: “Sự trở lại của khối ngành nông – lâm - ngư và sư phạm cũng đang diễn ở Hải Phòng. Trước đó, chúng tôi cũng như tất cả các trường THPT trong địa bàn tỉnh đều định hướng các em ưu tiên đối với những khối ngành này vì đây là những ngành cần nhiều nhân lực giỏi để phát triển kinh tế địa phương”.

Nhiều ngành lo “chết yểu”

Trong khi đó, một số trường và một số ngành học tuy chưa vào mùa tuyển sinh nhưng đã có xu hướng “chết yểu” vì lượng hồ sơ nhận được chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo thống kê của Sở GDĐT Thanh Hoá, có tới 19 trường chỉ nhận được duy nhất 1 hồ sơ của học sinh Thanh Hoá, tập trung ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Tại Sở GDĐT Phú Thọ, một số trường như CĐ Giao thông vận tải số 2, ĐH Kinh tế kỹ thuật Hải Dương, CĐ Múa, CĐ Văn hóa nghệ thuật… cũng chỉ nhận được duy nhất 1 bộ hồ sơ.

TS Trịnh Hoà Bình (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng: “Sự khởi sắc trở lại của một số khối ngành nhiều năm qua bị “thất sủng” như nông, lâm... là hợp với quy luật và nhu cầu lao động của xã hội trong một vài năm tới.

Bà Nguyễn Thị Nhàn – Phó Hiệu trưởng trường CĐ Bách Khoa Hưng Yên cho biết: “Hiện số hồ sơ nhận trực tiếp tại trường và do các Sở bàn giao mới chỉ được 500 bộ. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.100”.

Bà Nhàn lo ngại mùa tuyển sinh năm nay trường sẽ khá vất vả để tuyển đủ. Cũng theo bà Nhàn, trường có ngành Việt Nam học với 50 chỉ tiêu, nhưng 2 năm nay đều không tuyển được quá nửa số đó. Trong khi, hồ sơ vào ngành này năm này cũng mới được một vài bộ.

“Nếu năm nay lại không tuyển được nữa thì ngành này sẽ bị “xoá sổ”” – Bà Nhàn nói.

Một số ngành khối C của nhiều trường cũng đang trong nguy cơ phải đóng cửa khi hầu hết không nhận được hồ sơ nguyện vọng (NV) 1. Điển hình như khoa Triết, Tâm lý học… của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Theo lãnh đạo nhà trường, hồ sơ nhận được chỉ được một vài bộ, chắc trường phải xét tuyển NV2. Ngoài ra, một số trường dân lập như ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á từ mùa tuyển sinh 2010 đến nay cũng không mở được các ngành khối C do không có hồ sơ đăng ký dự thi.

Ông Phạm Văn Bản – Cán bộ Sở GDĐT Thái Bình nhận định: “Nếu các trường không sớm có động thái cải thiện hướng đào tạo thì nguy cơ bị đóng cửa ngành học là không thể tránh khỏi vì tâm lý học sinh bây giờ rất tỉnh táo. Các em không còn chọn trường thi dễ đỗ nữa mà đã có xu hướng chọn trường dễ xin việc sau khi ra trường”.