Tai biến như… sét đánh
Ngày 9.5, TS-BS Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, kết quả giám định pháp y cho thấy sản phụ Ngô Thị Hồng Thu (chuyển dạ tại BV Đa khoa Hóc Môn) tử vong do thuyên tắc ối.
Trước đó, tại BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, sản phụ Trần Thị Hưởng cũng tử vong do nguyên nhân thuyên tắc ối.
Bà mẹ cần khám thai và khám sức khỏe định kỳ. |
TS Nguyễn Việt Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết: "Sản khoa có những tai biến bất thường, đến nhanh như sét đánh khiến bác sĩ không thể kịp xoay chuyển tình thế, cụ thể như thuyên tắc ối, vỡ tử cung. Ngay cả người làm sản khoa lâu năm như tôi cũng khó có thể phản ứng kịp".
Thuyên tắc ối là tình trạng nước ối và các chất trong thai như tóc, phân su đi vào hệ tuần hoàn của bà mẹ, gây suy hô hấp, trụy tim mạch và gây tử vong. Các sản phụ trước khi sinh khỏe mạnh, các bác sĩ đều tiên lượng có thể sinh đẻ suôn sẻ. Tuy nhiên, các biến chứng này xảy ra hoàn toàn bất ngờ, thậm chí khi đã đưa em bé ra ngoài. Tỷ lệ bà mẹ bị thuyên tắc ối rất nhỏ, chỉ 1/80.000 trường hợp, tuy nhiên 61-80% các bà mẹ bị thuyên tắc ối tử vong, số còn lại sống thực vật.
Ngoài ra, sản khoa còn có một số biến chứng khó lường như vỡ tử cung, bong huyết tử cung nhau, nhau tiền đạo…
Nghiên cứu của TS Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cũng cho thấy, mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 2.000 bà mẹ tử vong do tai biến sản khoa, phổ biến là băng huyết, sản giật, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn hậu sản. Đặc biệt ở khu vực Tây Bắc, tỷ lệ chết do băng huyết lên đến trên 17%, chết do nhiễm khuẩn là 16,7%.
Thăm khám thai và sức khỏe bà mẹ
Bác sĩ Đào Trọng Tường - Giám đốc BV Đa khoa huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) cho biết, mỗi năm, BV đỡ đẻ cho hơn 1.000 ca, đa số "mẹ tròn con vuông". Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sản phụ đến viện trong tình trạng huyết áp cao, ngộ độc thai nghén, tiền sản giật… lâm vào tình trạng tiểu cầu giảm, chức năng gan bị suy, rối loạn đông máu khiến bác sĩ xử lý rất khó khăn hoặc phải chuyển lên tuyến trên.
Theo bác sĩ Tường, trừ những trường hợp tai biến sản khoa cấp, còn lại một số tai biến đều có thể tiên liệu được nếu như sản phụ đi khám thai định kỳ. Những bà mẹ trước khi mang thai cần phải khám sức khỏe để biết mình có mắc một số bệnh mãn tính như huyết áp cao, tim, tiểu đường, suy thận hay không. Đây là những bệnh khiến cho sản phụ có nguy cơ bị nhiễm độc thai nghén và bị biến chứng sản khoa trong quá trình sinh nở.
TS Lê Anh Tuấn
TS Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng, vấn đề nghiêm trọng ở đây là vẫn có khoảng 10-20% các sản phụ không khám sức khoẻ, khám thai, chỉ đến BV khi sinh nở, hoặc khi sinh khó mới chuyển lên viện. Ngoài ra, đa số các sản phụ chỉ đi siêu âm định kỳ, khi nhìn thấy con "đầy đủ bộ phận" là yên tâm chứ không quan tâm đến sức khỏe của bà mẹ.
TS Tuấn cho biết: Tiền sản giật là tai biến sản khoa thường gặp nhưng có thể phòng ngừa được. Bệnh có biểu hiện tăng huyết áp, phù mặt và tay chân, nước tiểu nhiều đạm nên dễ bị nhầm sang hiện tượng xuống máu, sản phụ vì thế mà thường chủ quan. Những phụ nữ bị tiểu đường, bệnh thận, bướu cổ (basedow) có nguy cơ tiền sản giật cao, cần được chẩn đoán và chữa trị sớm.
Tuấn Kiệt