Đến với Lai Châu, mảnh đất nơi cực bắc của Tổ quốc mới thấy hết cái khó khăn của ND nơi đây. Do địa hình chủ yếu là đồi đất dốc, năng lực đầu tư của ND hạn chế, trình độ canh tác lạc hậu nên làm ra nông sản đã rất khó khăn, việc tiêu thụ càng khó hơn.
Người trồng chè ở Lai Châu yên tâm sản xuất nhờ dịch vụ phát triển. |
Bớt nỗi lo đầu ra
Anh Lầu A Thắng, nông dân bản Nhì Thàng, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu), tâm sự: Ở đây trồng cây gì, nuôi con gì cũng khó. Nắng lửa, mưa rào lại nhiều dịch bệnh nên dân nghèo lắm. Mấy năm trước, lúa, ngô làm ra bán giá thấp lắm lại ít người mua, để lâu thì dễ bị mối, mọt…".
Cũng theo anh Thắng, những năm gần đây, cùng với sự đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn của Nhà nước, sự vào cuộc của Hội ND và lực lượng khuyến nông, thú y… đời sống của ND được cải thiện rõ rệt. Các loại cây, củ, quả có năng suất cao từng bước thay thế các cây trồng cũ kém hiệu quả.
Với 98 cơ sở hội và hơn 55.000 hội viên, Lai Châu có hơn 80% dân số làm nông nghiệp. Cùng với việc thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển thì việc lo đầu ra cho nông sản luôn được chính quyền và tổ chức Hội ND quan tâm. Ông Hạng A Kỷ - ND sản xuất kinh doanh giỏi ở bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tâm sự: Trước đây, nói đến sản xuất hàng hoá, ai cũng lo đầu ra sản phẩm, mà hoạt động dịch vụ ở vùng cao lại yếu vì giao thông rất khó khăn, lượng hàng hoá nhỏ nên dễ bị tư thương ép giá; thậm chí không bán được hàng. Nhưng bây giờ lúa nhiều, ngô nhiều, hộ đói cũng giảm đi, đó là nhờ có nhiều cơ sở chế biến nông sản. Mình làm ra nhiều sản phẩm, nếu chưa muốn bán thì cũng sơ chế rồi bảo quản, không lo hỏng, không bị ép bán giá thấp nữa.
Dịch vụ đi cùng sản xuất
Thấy rõ những khó khăn của ND trong việc thực hiện sản xuất hàng hoá, xoá đói nghèo, vươn lên làm giàu, những năm gần đây, các cấp Hội ND Lai Châu đã tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngân hàng tạo điều kiện để người dân được hưởng những chính sách ưu đãi trong việc vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế dịch vụ.
Ông Triệu Hữu Lô
"Từ những dịch vụ nhỏ như thu gom nông sản, gia cầm, xay xát lương thực, thực phẩm; tới những dịch vụ lớn hơn như: Chế biến chè, lò sấy ngô, đại lý cung ứng giống và thu mua, bao tiêu nông sản cho nông dân… ngày càng phát triển sâu hơn, rộng hơn. Bây giờ các anh cứ vào tận nơi xa xôi như huyện Mường Tè cũng thấy dịch vụ đang hoạt động rất hiệu quả" - ông Triệu Hữu Lô, bản Phăng Xô Lìn, xã Phăng Xố Lìn, huyện Sìn Hồ cho biết.
Chỉ vào đàn lợn hơn 100 con, chị Lù Thị Loan, chi hội ND phường Tân Phong, thị xã Lai Châu, tâm sự: Trước đây, ít người thu mua lợn nên có nuôi nhiều cũng khó bán. Lúc bán lại lo bị cân điêu, bị ép bán giá rẻ. Nhiều lúc tôi muốn bỏ nghề nhưng cán bộ Hội ND động viên, bảo rằng sau này dịch vụ phát triển sẽ thuận lợi hơn. Bây giờ người chăn nuôi cần con giống, cần thức ăn, cần kinh nghiệm hay muốn xuất chuồng nhanh để thu hồi vốn... cứ ới một cái là có đầy người đáp ứng. Dịch vụ mang hàng đến tận nhà, người mua hàng đến tận nương, tận ruộng; ND bây giờ sướng như ông chủ…
Kiều Thiện