Dân Việt

Cử tạ Việt Nam hướng tới ASIAD 2010

30/10/2010 08:43 GMT+7
(Dân Việt) - Ngày 13-11 tới, những "lực sỹ Hercules" Việt Nam sẽ xuất trận tại ASIAD 2010. Niềm tin được đặt vào đương kim á quân Olympic, ASIAD -Hoàng Anh Tuấn...

Bài học khó quên

Trong giới VĐV thể thao Việt Nam, ít có ai tự tin như Hoàng Anh Tuấn. Chưa bao giờ thấy sự e ngại trong những lời phát biểu của Tuấn trước những giải đấu lớn, dù đó là SEA Games, ASIAD hay Olympic. Có lẽ tính cách có phần dị biệt đã đưa Tuấn lên tới đỉnh cao, và đẩy anh xuống vực sâu chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn.

img
Hoàng Anh Tuấn đang nỗ lực tập luyện...

Vấn đề của Tuấn khác với nhiều VĐV khác. Thường những giải đấu lớn gặp những đối thủ xứng tầm, Tuấn lại khẳng định được mình, và ngược lại. Bài học cay đắng nhất đối với VĐV quê Bắc Ninh chính là những cuộc đọ sức tại đấu trường SEA Games.

Nếu như tại SEA Games 24-2007 (Thái Lan), Tuấn từng khóc tức tưởi khi để thua Irawan Eko (Indonesia) trong cuộc đối đầu tranh HCV, thì tới SEA Games 25-2009 (Lào), Tuấn còn không khóc nổi.

Với tất cả những ai từng chứng kiến màn thể hiện của Tuấn hôm đó đều có cảm giác anh bị hẫng hụt khi không được so tài với đối thủ chính Irawan Eko, mà thay vào đó là VĐV vô danh Setiadi Jadi (Indonesia). Đi từ thất bại này tới thất bại khác, Tuấn vẫn đổ lỗi cho nhiều lý do. Lúc thì "Tôi chưa bao giờ chủ quan nhưng thực tế tôi đã mất cả buổi đi tìm chỗ xông hơi ở Nakhon Ratchasima (Thái Lan) nhưng không có.

Đành phải ép cân bằng cách mặc áo mưa mượn của đội vật, chạy bộ 3 tiếng từ 6 giờ sáng. Đến ngày thi đấu, trọng lượng rút đúng quy định nhưng thể lực bị suy giảm. Tôi đã không kịp lấy lại cân bằng và thất bại". Hoặc "trong vài ngày, tôi phải giảm khoảng 3kg để đảm bảo điều kiện về trọng lượng thi đấu. Điều này khiến tôi mệt mỏi và không còn sung sức" khi ở Lào cuối năm ngoái.

Điều căn bản nhất là sự tự tin thái quá, không biết mình biết người thì Tuấn chưa bao giờ thừa nhận. Các chuyên gia nước ngoài cũng rất khó làm việc với Tuấn khi anh ít chịu khó lắng nghe: "Tuấn là hy vọng số 1 của cử tạ Việt Nam tại Aisad 2010 nhưng tôi cảm thấy rất lo khi phong độ của em thời điểm này không ổn định"- ông Đỗ Đình Kháng - Trưởng bộ môn cử tạ Tổng cục TDTT nói.

Bản lĩnh lực sỹ

Thực tế, tại giải vô địch cử tạ thế giới 2010 diễn ra cách đây hơn 1 tháng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tuấn chỉ xếp hạng 4 chung cuộc với tổng trọng tạ 273kg (cử giật 123kg, cử đẩy 150kg), thua xa các VĐV: Wu Jingbao (Trung Quốc, 292kg), Long Qingquan (Trung Quốc, 288kg), Cha Kum Chol (CHDCND Triều Tiên, 280kg).

Khi mà các hạng cân nhỏ cử tạ ở ASIAD cũng tương đương với giải vô địch thế giới, thì xem ra khả năng bảo vệ tấm HCB ASIAD 2006 của Tuấn đang trở nên khá xa vời. Theo ông Kháng, hiện thành tích tập luyện của Tuấn ở Trung Quốc dao động từ 276 đến 284kg.

Ở vào tuổi 25, hy vọng Tuấn sẽ đạt được sự ổn định tâm lý cần thiết khi bước vào những giải đấu lớn như ASIAD để tạo nên sự khác biệt trước những đối thủ cạnh tranh trực tiếp trẻ hơn mình như Jingbao (21 tuổi), Qingquan (20 tuổi), Kum Chol (23 tuổi): "Chúng tôi đặt mục tiêu bảo vệ HCB để phấn đấu chứ cũng khó lắm.

Những thất bại ở SEA Games đã ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của Tuấn. Nhưng với một VĐV đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp như Tuấn, tôi tin em sẽ biết phát huy bản lĩnh trong những thời điểm quan trọng nhất" - ông Kháng lạc quan.

Ngoài Tuấn, cử tạ Việt Nam còn hy vọng vào các VĐV khác: Quốc Toàn (56kg nam), Thanh Trúc (77kg nam, HCV SEA Games 25), Phương Loan (75kg nữ, HCV SEA Games 25).

Thành và bại của Hoàng Anh Tuấn

-Tháng 10-2005: 277kg (HCV Giải vô địch châu Á)

-Tháng 12-2006: 285kg (HCB ASIAD 2006)

-Tháng 12-2007: 281kg (HCB SEA Games 24)

-Tháng 8-2008: 290kg, HCB Olympic Bắc Kinh

- Tháng 12-2009: Thất bại SEA Games 25 (cử giật 125kg, cử đẩy không qua 152kg)

- Tháng 9-2010: 273kg, hạng 4 Giải vô địch Thế giới.