Tình trạng này khiến những người có trách nhiệm rất lo lắng bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn bay.
Một nhân viên kỹ thuật của Đài truyền thanh huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) thực hiện các thao tác chuẩn bị phát sóng. Nhân viên này cho biết Cục Tần số vô tuyến điện vừa đề nghị đài điều chỉnh tín hiệu để đảm bảo an toàn đường bay |
Ông Nguyễn Văn Thư - phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện - xác nhận có hiện tượng như thế. Ông cho biết cục đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và đang cử nhiều cán bộ kỹ thuật tìm kiếm “thủ phạm” trong phạm vi khoảng 200km của vùng Pleiku - Buôn Ma Thuột.
Đây không phải lần đầu tiên hệ thống liên lạc giữa mặt đất và phi công bị quấy nhiễu bởi tiếng “lạ”, trên nhiều chuyến bay ở các khu vực khác nhau (kể cả ở phía Bắc) cũng gặp phải tình trạng này.
“Sự cố nghiêm trọng”
Đây là hiện tượng gây nhiễu hệ thống thông tin trao đổi giữa mặt đất và phi công trong điều hành, dẫn đường bay. Mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thông tin này được mô tả là “rất nhiều”. Tiếng nhạc, tiếng của các chương trình phát thanh được cho là những yếu tố “xâm nhập bất hợp pháp” vào hệ thống thông tin.
Ông NGUYỄN VĂN THƯ (phó cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện)
Trong một thông báo gửi đến Cục Tần số vô tuyến điện cuối tháng 4.2012 kèm danh sách chín chuyến bay bị ảnh hưởng, Công ty Quản lý bay miền Nam (Tổng công ty Quản lý bay VN) nêu rõ: “Chúng tôi cam đoan thông tin về các chuyến bay có thông tin bị nhiễu là đúng sự thật và sẵn sàng phối hợp để phát hiện nguồn gây nhiễu cũng như giải quyết nhiễu có hiệu quả”.
Trước đó đầu tháng 1.2012, Tổng công ty Quản lý bay VN đã gửi văn bản đến Cục Tần số vô tuyến điện đề nghị can thiệp, xử lý các nguồn gây nhiễu, kèm theo danh sách 28 chuyến bay bị ảnh hưởng. Văn bản này còn cho biết tại vùng thông báo bay thuộc khu vực TP.HCM cũng đang xảy ra hiện tượng nhiễu sóng tần số điều hành bay.
Các tổ bay nghe được nhiễu tiếng Việt khi đang sử dụng các tần số đã được cấp phép cho Tổng công ty Quản lý bay VN. “Đây là sự cố nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng và kéo dài tại khu vực Tây nguyên” - văn bản nhấn mạnh, đồng thời đưa ra nhận định ban đầu: “Theo chúng tôi, nhiễu này là của đài phát thanh tiếng Việt”.
Theo văn bản của Tổng công ty Quản lý bay VN, sau khi nhận được báo cáo nhiễu của các tổ bay, tổng công ty có thông báo gửi đến các trung tâm kiểm soát tần số ở mỗi khu vực liên quan. Tuy nhiên, do nhiễu xảy ra trên diện rộng thuộc quyền quản lý của nhiều trung tâm nên Tổng công ty Quản lý bay VN đề nghị Cục Tần số vô tuyến điện chỉ đạo các trung tâm khu vực xử lý triệt để nguồn gây nhiễu để “đảm bảo công tác điều hành bay được an toàn”.
Tìm kiếm “thủ phạm”
Ông Thư cho biết đã tìm ra “thủ phạm” trong một số vụ. “Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, chúng tôi rất lo lắng” - ông Thư nói. Theo ông Thư, trong lúc bay phi công cần tập trung cao, khi hệ thống liên lạc của họ với mặt đất bị tiếng “lạ” xâm nhập có thể làm họ gặp khó khăn trong tiếp nhận thông tin chính xác từ mặt đất hoặc ngược lại.
Thông tin từ Cục Tần số vô tuyến điện khẳng định: hầu như nguyên nhân được tìm ra là do các hệ thống truyền thanh không dây, cũng có trường hợp do đài phát thanh FM cấp huyện gây ra. Trước đây hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường... dùng dây kim loại kết nối giữa máy phát tin với loa công cộng, khoảng cách tối đa có thể chỉ đạt 2-3km.
Những năm gần đây người ta thay dây dẫn kim loại bằng hệ thống vô tuyến điện. Thông tin được phát qua một máy phát sóng FM. Nhờ truyền dẫn bằng sóng vô tuyến nên cự ly thông tin tăng lên trên 10km mà không phải kéo dây nhợ phức tạp. Do đó, gần đây hệ thống loa truyền thanh không dây phát triển mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thư giải thích truyền thanh không dây là một phương thức truyền dẫn thông tin đặc thù ở VN, ít có nơi nào trên thế giới sử dụng. Thời kỳ đầu, căn cứ vào đặc tính kỹ thuật của máy phát (thực chất là máy phát thanh FM), Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép sử dụng trong băng tần mà thế giới đã quy hoạch cho phát thanh FM (cụ thể là dải tần số 87-108 MHz).
Sau đó do số lượng máy truyền thanh không dây quá lớn, để tránh nhiễu tín hiệu có hại cho các hệ thống phát thanh FM trong cả nước và cũng nhằm đảm bảo an ninh (không để sóng phát thanh không mong muốn chèn vào nhằm phá hoại an ninh quốc gia), Cục Tần số vô tuyến điện đã quy hoạch băng tần 54-68 MHz cho truyền thanh không dây. Điều đáng nói là số lượng máy truyền thanh không dây đảm bảo phát tín hiệu với dải tần số trong phạm vi này chỉ chiếm khoảng 25%, nghĩa là số còn lại không đúng quy hoạch.
Rất khó khắc phục
Theo các nhà chuyên môn ở Cục Tần số vô tuyến điện, quy định hiện hành của pháp luật VN có nêu rõ máy phát truyền thanh không dây muốn hoạt động phải bảo đảm các điều kiện: Thứ nhất, chất lượng máy phát phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thứ hai, tần số làm việc phải nằm trong dải tần số quy hoạch. Thứ ba, có giấy phép của cơ quan thẩm quyền.
Theo ông Thư, vì vướng điều kiện thứ nhất và thứ hai nên rất nhiều thiết bị truyền thanh không dây không thể cấp giấy phép được, nhưng trên thực tế vẫn hoạt động khá phổ biến ở các địa phương. Trong khi đó, chất lượng máy phát không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, thường phát ra tín hiệu (trong chuyên môn gọi là phát xạ) không mong muốn, vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Từ quý 3.2011 đến quý 1.2012, trong số 241 máy phát truyền thanh không dây mà Cục Tần số vô tuyến điện đo kiểm chất lượng, có đến 156 máy không đạt tiêu chuẩn quy định (chiếm 64%). “Đây là một tỉ lệ mà theo chúng tôi rất đáng lo ngại” - ông Thư nói.
Thực chất, chính các thành phần phát tín hiệu không mong muốn này (vượt quá chuẩn cho phép) đã gây nhiễu có hại cho các hệ thống thông tin vô tuyến điện khác, đặc biệt là hệ thống thông tin dẫn đường bay. Cục Tần số vô tuyến điện phải liên tục kiểm tra, rà soát và xử lý nhiều vụ gây nhiễu tín hiệu hệ thống thông tin dẫn đường bay.
Các chuyên gia ở Cục Tần số vô tuyến điện cho rằng để tìm kiếm nguồn gây nhiễu cho một hệ thống thông tin khác là một việc hết sức khó khăn, tốn nhiều thời gian, tiền bạc và nhân lực. Do đó, trong tình hình thiết bị truyền thanh không dây kém chất lượng, không có giấy phép đang sử dụng tràn lan khắp nơi như hiện nay thì tình trạng gây nhiễu, hay nói cụ thể là tình trạng phi công phải nghe nhạc, tiếng rù rè, nội dung những chương trình phát thanh... rất khó khắc phục triệt để.
Việc quản lý chất lượng thiết bị phát sóng vô tuyến điện nói chung, thiết bị truyền thanh không dây nói riêng tuy đã có nhiều quy định nhưng còn khá lỏng lẻo. Các địa phương khi làm dự án đầu tư truyền thanh không dây phải có ý kiến của các sở thông tin và truyền thông, nhưng điều này ít được quan tâm.
Theo quy định của Luật tần số vô tuyến điện, muốn sử dụng thiết bị truyền thanh không dây phải có giấy phép, nhưng hiện nay ở nhiều nơi chính quyền địa phương vẫn không chấp hành.