Dân Việt

Nguy cơ tử vong do tắc ối: Thai phụ hoang mang

16/05/2012 14:03 GMT+7
Liên tiếp trong nửa tháng qua, 3 sản phụ là ở Quảng Ngãi,Hưng Yên và Bắc Ninh đã tử vong trong quá trình sinh nở gây nên nỗi lo ngại cho rất nhiều phụ nữ đang mang thai.

Ngoài sản phụ ở Quảng Ngãi tử vong do có tiền sử bệnh tim thì 2 sản phụ còn lại đều có nguyên nhân do tắc mạch ối. Đây là một hội chứng chết người trong sản phụ khoa mà các bác sĩ sợ nhất vì không thể dự báo, không thể dự phòng và trong hầu hết các trường hợp đều không thể điều trị được. Tắc mạch ối thực sự là một thảm họa không chỉ đối với nhân viên y tế mà còn đối với cả gia đình sản phụ.

img
Thai phụ nên khám thai định kỳ

80% trường hợp tử vong

Sau cái chết của sản phụ Hạnh ở Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên rạng sáng 20.4, các chuyên gia y tế đã vào cuộc và bước đầu xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong của sản phụ Hạnh là do tắc mạch ối với các triệu chứng như trụy mạch, hôn mê và rối loạn đông máu diễn ra quá nhanh và đột ngột.

Hội chứng tắc mạch ối thường rất hiếm gặp trong sản khoa. Tuy nhiên có đến 80% trường hợp mắc phải đều dẫn đến tử vong. Bình thường, nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của thai phụ. Hội chứng xảy ra khi nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, chất gây, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ, gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính.

Nhìn chung, tắc mạch ối thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ, mổ đẻ chủ động, nhưng cũng có thể xảy ra khi nạo thai, truyền dịch ối vào buồng tử cung, hay chấn thương ổ bụng, hoặc thậm chí sau đẻ. Yếu tố thuận lợi gây tắc mạch ối là cơn co tử cung mạnh (khiến nước ối thấm vào khoang giữa tử cung và rau - màng ối) và việc các mạch máu ở thành tử cung mở ra.

Khi cơ tử cung giãn, các mạch máu mở rộng có tác dụng như những ống hút, hút nước ối vào mạch. Khi cơ tử cung co lại, máu và nước ối được đẩy theo đường tĩnh mạch của tử cung vào tĩnh mạch chậu rồi về tim. Tim đẩy máu có lẫn nước ối lên phổi, làm tắc các động mạch ở phổi; nên gọi là tắc mạch (phổi) do nước ối.

Khi bị tắc mạch ối, sản phụ sẽ đột ngột có các triệu chứng như đau ngực, khó thở kịch liệt, có cảm giác cái chết đang đến gần và nhanh, băng huyết dữ dội, choáng, trụy mạch nhanh chóng và tử vong. Do tai biến xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh nên hầu hết bệnh nhân đều tử vong. Nếu thai chưa xổ thì hầu hết thai nhi không được cứu kịp.

Các sản phụ tuổi cao có nguy cơ bị tắc mạch ối nhiều hơn. Con rạ có nguy cơ cao hơn con so. Người ta thấy 75% số trường hợp tắc mạch ối xảy ra ở người đẻ con rạ. 67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai trai, 41% số người bệnh có tiền sử dị ứng. Ngoài ra, ổ lấy thai, đẻ đường dưới có can thiệp thủ thuật foóc-xép hay giác kéo có nguy cơ cao hơn đẻ thường. Đa ối, đa thai (tử cung quá to), thai chết lưu, vỡ ối, rách cổ tử cung, vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật, gây chuyển dạ cũng là yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối.

Ở Hoa Kỳ, ước tính 1 trường hợp tắc mạch ối cho 8.000 - 30.000 thai nghén. Các nước khác có tỷ lệ mắc tương tự. Một nghiên cứu ở Canada từ năm 1991 - 2002 trên 3 triệu trường hợp đẻ trong bệnh viện cho thấy, tỷ lệ tắc mạch ối là 14,8/100.000 trường hợp đẻ đa thai, 6,0/100.000 đẻ một thai. Nghiên cứu trong khoảng thời gian 2000-2002 ở Anh cho thấy tỷ lệ gặp tắc mạch ối là 3,7/1 triệu trường hợp thai nghén và tử vong mẹ do tắc mạch ối lên đến gần 80%.

Bệnh không thể dự báo trước

Tắc mạch ối xảy ra rất đột ngột, và không thể dự báo trước. Vì vậy trong hầu hết các trường hợp, gia đình sản phụ thường khó chấp nhận lời giải thích của nhân viên y tế vì mới trước đó, họ được thông báo là tình hình chuyển dạ của sản phụ chưa có gì nguy hiểm.

Trước đây, một sản phụ tử vong tại Bệnh viện Sa Pa, Lào Cai, bác sĩ trực đã bị cơ quan chức năng khởi tố. Sau khi các nhà hoa học cùng cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân sản phụ tử vong do biến chứng tắc mạch ối, một biến chứng bất khả kháng, bác sĩ Hoàng Đình Trung ở Bệnh viện Sa Pa mới được minh oan.

Cơ chế bệnh của tắc mạch ối vẫn chưa được hiểu thấu đáo. Việc chẩn đoán tắc mạch ối thường rất khó, đồng thời cũng không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân được dùng thuốc, truyền dịch, truyền các chế phẩm của máu, được đặt ống nội khí quản giúp thở để duy trì chức năng tim mạch và hô hấp. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng điều trị thành công.

Nhiều bác sĩ trong suốt thời gian hành nghề chưa từng chứng kiến tai biến này. Ngay tại BV Phụ sản TƯ, bệnh viện tuyến đầu về sản khoa cả nước, cũng chỉ cứu được một số bệnh nhân bị tắc mạch ối, còn nhiều bệnh nhân không thể cứu được dù phương tiện, nhân lực rất đầy đủ.

Trong y tế, ngành sản cũng là ngành có bệnh nhân chết nhiều nhất. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, Anh tỷ lệ sản phụ chết là 4/100.000 người. Ở Việt Nam, đầu thập niên 80, số phụ nữ qua đời trong lúc vượt cạn lên tới 250/100.000 ca. Còn hiện nay, con số tử vong vẫn còn ở mức 75/100.000 ca.

Với phụ nữ, ngay từ lúc mang thai đã có những nguy cơ tai biến, trong đó có những tai biến xảy ra rất nhanh, đôi khi bác sĩ không trở tay kịp mặc dù có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật cao. Ngoài tắc mạch ối, theo TS Nguyễn Nhật Ánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, những tai biến sản khoa thường gặp khác là băng huyết, tiền sản giật (ngộ độc thai nghén), vỡ tử cung, nhiễm khuẩn hậu sản, uốn ván rốn và nhau tiền đạo.

Trước những thông tin về cái chết của các sản phụ, thời gian qua, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, vốn đã quá tải càng thêm trầm trọng hơn nữa do sản phụ các địa phương ùn ùn đổ về tuyến trung ương. Tuy nhiên, theo các bác sĩ với một thai phụ sức khỏe tốt, được quản lý thai sản tốt, mẹ và thai nghi không kèm theo bệnh lý thì không cần thiết phải lên tuyến trên.

Bởi những tai biến trong sản khoa, trừ một số trường hợp bất khả kháng, như tắc mạch ối rất hiếm gặp thì nhiều tai biến khi sinh có thể phòng ngừa hoặc khắc phục được bằng cách quản lý thai phụ tốt, tiên lượng các nguy cơ (nếu sản phụ có bệnh lý kèm theo thì chuyển viện tới nơi có đủ điều kiện, trang thiết bị). Vì thế các bà bầu không nên quá hoang mang, lo lắng về quá trình sinh nở.

Theo An ninh Thủ đô