Sống dập dềnh trên sóng
Đầu mùa đông năm 1988, anh Phạm Thế Thảo (sinh năm 1968, quê Thanh Hóa) lúc ấy vừa nhập ngũ Lữ đoàn 146, được tăng cường ra trực tại đảo Đá Đông, sống cùng với 9 đồng đội khác trên một pông tông (phao nổi bằng sắt, có mái che).
Lính đảo Thuyền Chài đưa đoàn vào với đảo. |
Anh kể, 10 anh em sống trên cái phao dập dềnh chao lắc, mái thì nóng hầm hập mà lính thì quanh năm chịu ẩm ướt vì sóng biển. Không gian chật hẹp, ngột ngạt và khốn khổ vì thiếu nước ngọt, càng không bao giờ dám mơ đến rau xanh. Pông tông vốn được neo xuống bãi san hô cạnh đảo bằng 4 dây neo ở 4 góc. Vậy nhưng, trận bão biển dữ dội năm ấy đã giật đứt cả 4 dây neo. Sóng tống pông tông ném vào trong bão mịt mùng.
Thời ấy không có điện thoại, bão cũng cắt đứt luôn tín hiệu điện đàm từ đảo. Trong nhà cao chân trên đảo, đồng đội chỉ biết đau đáu nhìn theo, lặng người trước dự báo chết chóc. Bão quăng quật điên mù, ném pông tông đi xa đảo gần 10 hải lý. Sáng hôm sau khi bão tan, anh em ôm nhau khóc, mừng mừng tủi tủi vì ai cũng bình an, xa xa bóng tàu cứu hộ của đồng đội đang tới…
Ngày đoàn công tác của chúng tôi đến đảo Đá Tây, tôi đã may mắn được đi cùng đại tá Lê Mạnh Tiến – Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân, lên thăm tàu HQ 713 thuộc Hải đoàn 129 đang trực cạnh đảo. Những chiếc pông tông ngày nào nay đã được thay thế bằng tàu hiện đại hơn, an toàn hơn. Nhưng thủy thủ vẫn phải sống trên tàu suốt 3-4 tháng ròng kể cả mùa biển động. Mọi khoảng trống trên boong đều được tận dụng trồng mồng tơi, nuôi nhốt lợn, gà, vịt…
Lời nhắn nhủ từ đất liền
Trước chuyến đi này, chị Nguyễn Thị Dung - người yêu của liệt sĩ Võ Đình Tuấn (Ninh Ích, Ninh Hòa, Khánh Hòa), một trong 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến tại đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988, đã dặn tôi: “Nếu em ra đến nơi anh ấy đã ngã xuống, hãy gọi điện, đưa máy cho chị nói với anh ấy vài lời…”.
Tiếc là chuyến đi của tôi lại không được qua vùng có nhóm đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao. Nhưng khi đoàn viếng nghĩa trang liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn, chị cũng đã thực hiện được điều mong muốn trước bàn thờ nghi ngút khói hương… dù chỉ qua điện thoại.
Cách đây 1 năm, theo những chuyến tàu ra Trường Sa, chị đã gửi bạn bè hóa vàng những kỷ vật, lá thư, nhật ký viết cho anh trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại vùng biển Gạc Ma. Nhưng ước nguyện được đến tận nơi anh đã ngã xuống, “được tận tay vốc một ngụm nước mặn nơi Tuấn đã hy sinh” và được trực tiếp nói với anh những lời yêu thương, nhớ nhung chất chứa hơn 24 năm qua, ở chính nơi ấy vẫn luôn đau đáu trong chị.
Cũng trước chuyến đi này, tôi còn được một người phụ nữ khác, nhờ gửi lời nhắn nhủ đến chồng mình là anh Lê Tuấn Anh đang đóng quân ở Trường Sa Lớn. Đó là chị Phạm Thị Minh Truyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cam Phúc Nam, TP.Cam Ranh (Khánh Hòa). Bế đứa con thứ hai vừa tròn 2 tháng tuổi, Tuyền cho biết: Đây là lần thứ 2 anh Tuấn đi đảo, không được trực tiếp đón con chào đời. Lần trước cũng vậy, khi anh ấy về, cháu đầu vừa tròn 7 tháng tuổi…
Ước mơ thức cùng… đảo chìm
Chuyến đi của chúng tôi được đánh giá là đạt kỷ lục ngắn ngày nhất mà vẫn bảo đảm đến được tất cả các đảo, điểm đảo như kế hoạch. Chính vì vậy, có những đảo, đoàn công tác chỉ ghé vào vài chục phút. Một số thành viên trong đoàn chỉ kịp chụp ảnh, nhặt vội cục san hô hoặc quả bàng vuông làm kỷ niệm. Họ chẳng còn mấy thời gian mà tâm sự, tìm hiểu đời sống của lính đảo Trường Sa.
Tại các đảo chìm Thuyền Chài, Đá Tây và nhất là đảo Đá Lát, văn công chỉ kịp hát vài bài rồi vội vã ra đi. Khi rời đảo Đá Lát, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội âm thầm khóc, nước mắt cứ lặng lẽ tuôn rồi nấc lên.
Nghệ sĩ Thu Huyền – Phó đoàn 3 Nhà hát Kịch Hà Nội, bảo, gương mặt của từng người lính đảo chìm Đá Lát nhìn theo xuồng dần rời xa đảo cứ mãi ám ảnh chị. Những gương mặt thẫn thờ, không hẳn buồn, chẳng thoáng vui…
“Giá mà có thể ở lại, nấu cơm cho lính đảo chìm…” – diễn viên trẻ Diễm Hương nói. Còn diễn viên Vũ Thu Huyền thì “Ước gì được ở lại 1 đêm trên đảo chìm, hát và diễn hài kịch cho các anh ấy xem để thấy các anh ấy cười…”.
Mai Khuê