Dân Việt

Cuộc đua ghế Chủ tịch VFF sẽ "nóng bỏng"

29/03/2013 07:10 GMT+7
Dân Việt - Sau hội nghị ban chấp hành VFF lần thứ 11-nhiệm kỳ VI diễn ra ngày 28.3, cuộc đua vào vị trí tân Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII (2013-2017) hứa hẹn vô cùng quyết liệt và kịch tính…

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “44 ứng viên được đề cử vào Ban chấp hành VFF khóa VII đều phải có 3 văn bản: đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, xác nhận của cơ quan chủ quản đồng ý tạo mọi điều kiện về thời gian và cả tài chính để tham gia Ban chấp hành VFF. Sau đó, Đại hội sẽ tiến hành bầu ra 23 ủy viên từ 44 ứng viên đó”.

img
Ông Lê Hùng Dũng (thứ 2 từ phải qua) và ông Phạm Văn Tuấn (thứ 3 từ phải qua) sẽ phải rất "tỉnh táo" trong cuộc đua vào vị trí Chủ tịch VFF. Ảnh: Minh Hoàng

Theo ông Hỷ, các ứng viên được đề cử vào vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch VFF đều phải trình bày chương trình hành động để tranh cử, trước khi các thành viên Ban chấp hành bỏ phiếu bầu.

8 đề cử cho vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII bao gồm: Ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch; Ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF; Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch VFF; Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel; Ông Lê Quý Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học TDTT TP.HCM; Ông Đỗ Quang Hiển; Ông Võ Quốc Thắng. Tuy nhiên, qua quá trình hiệp thương, hiện đã có 2 người không ứng cử là ông Nguyễn Bá Thanh và ông Võ Quốc Thắng.

"Có những người được đề cử vào cả chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch (cụ thể là ông Lê Hùng Dũng và ông Phạm Văn Tuấn), nhưng nếu quyết định tranh cử Chủ tịch mà không được bầu, thì sẽ không được quyền tranh cử vị trí Phó Chủ tịch nữa”, ông Hỷ cho biết.

Nói cách khác, cuộc đua vào vị trí Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII hứa hẹn sẽ rất phức tạp với những màn “cân não”. Một ứng viên nếu lựa chọn không khéo, không “biết mình biết người” thì rất có thể sẽ… mất tất cả (?!).

Được biết, danh sách ứng viên vào vị trí Chủ tịch VFF phải được Bộ Nội vụ, Bộ VH-TT-DL thông qua, trước khi Ban chấp hành mới tiến hành bầu theo đúng quy trình.

img
Ông Lê Hùng Dũng khẳng định "chưa đỗ ông nghè" nên  chưa thể "đe hàng tổng" 

Trước những diễn biến phức tạp trong cuộc đua này, khi được đặt câu hỏi tại sao thời gian qua lại quá kín tiếng trong khi được dư luận nhắc đến như một ứng viên nặng ký cho vị trí Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng nói khéo: “Đơn giản vì tôi đã được bầu vào Ban chấp hành đâu. Chưa vào Ban chấp hành làm sao làm Chủ tịch được? Mọi thứ phải đúng quy trình, "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng" đâu có được”.

Theo ông Dũng, Đại hội VFF nhiệm kỳ VII sẽ tiến hành theo đúng tinh thần công khai-dân chủ-minh bạch mà Đại hội VFF nhiệm kỳ V (2005-2009) từng làm. Hiện VFF đang xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước để được phép truyền hình trực tiếp Đại hội tới người hâm mộ cả nước.

“Phải làm sao cho sau khi tổ chức Đại hội xong, mọi người trong xã hội thấy cảm nhận được tinh thần công khai-dân chủ-minh bạch. Những người xứng đáng sẽ được bầu, tâm phục khẩu phục”.

Nét mới là bộ máy VFF nhiệm kỳ VII sẽ chỉ có 1 cấp (cấp chỉ đạo), thay vì 2 cấp như trước (cấp chỉ đạo-thường trực VFF, và cấp điều hành-ban tổng thư ký).

“Việc làm này sẽ khiến bộ máy gọn nhẹ hơn, tác chiến nhanh hơn, mạnh hơn. Các ủy viên ban chấp hành sẽ trực tiếp tham gia làm trưởng các ban, trực tiếp tham gia tổ chức, điều hành nghị quyết của ban chấp hành chứ không chỉ 1 năm dự họp hai lần rồi… về, lãng phí nhân lực”, ông Lê Hùng Dũng lý giải.

Vì thế công việc của Chủ tịch VFF cũng sẽ nặng nề hơn do phải trực tiếp đứng ra chỉ đạo, điều hành. Tổng thư ký VFF sẽ phụ trách các phòng, ban, tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Chủ tịch sao cho hiệu quả nhất.

Nét mới là Tổng thư ký VFF có thể là thành viên Ban chấp hành VFF, thay vì không được nằm trong ban chấp hành như trước đây.

“Theo tôi, Tổng thư ký VFF phải là người cực kỳ am hiểu công việc, có có quan hệ rộng với các bộ phận liên quan công việc, làm công tác đối ngoại giỏi. Ngoài việc tổ chức thực hiện công việc nội bộ trong nước, phải đối ngoại tốt, làm sao qua mỗi cuộc họp, các cơ quan bóng đá trong khu vực, châu lục hiểu mình hơn, giao thêm nhiệm vụ cho mình, kéo thêm được nguồn tài chính, những trận đấu giao hữu quốc tế với những đội bóng đẳng cấp thế giới”, ông Dũng bày tỏ quan điểm.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ "bật mí"::

- Ngoài vấn đề nhân sự, nhiệm vụ của Đại hội VFF nhiệm kỳ VII là tổng kết được mô hình phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Những năm qua, bóng đá Việt Nam phát triển năng động nhưng thiếu bền vững do bị ảnh hưởng bởi tính chất của nền kinh tế-xã hội. Vậy sẽ phải tái cấu trúc ra sao? Các vị trí như Tổng thư ký, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn sẽ phải làm việc chuyên trách để điều hành công cuộc tái cấu trúc này.

- Trong số 44 ứng viên được đề cử, đã có một số xin rút. Hầu hết trong số 23 ủy viên ban chấp hành nhiệm kỳ VI đã được tái đề cử vào Ban chấp hành nhiệm kỳ VII, chỉ trừ vài trường hợp, trong đó có chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Ngày 10.4, là hạn chót để các ứng viên “hồi âm”, trước khi ban tổ chức Đại hội gút lại danh sách cuối cùng.

- Cùng với vị trí Chủ tịch VFF, vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn đang “nóng” nhất với 5 đề cử: Ông Phạm Ngọc Viễn, Phó Chủ tịch VFF, Tổng Giám đốc VPF; Ông Trần Quốc Tuấn, Vụ Trưởng Tổng cục TDTT; Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch VFF; Ông Dương Nghiệp Khôi, Phó Tổng thư ký VFF; Ông Phan Anh Tú, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội. Vị trí Tổng thư ký VFF có 3 đề cử: Ông Trần Quốc Tuấn, Ông Dương Nghiệp Khôi, Ông Phạm Ngọc Viễn.

- Liên quan tới vị trí HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Hỷ cho biết ngoài việc muốn ký hợp đồng dài hạn với HLV Hoàng Văn Phúc, Thường trực VFF còn có ý mời ông Phúc về làm việc tại VFF luôn, có thể ở Phòng các đội tuyển quốc gia để đảm bảo tương lai lâu dài.