Ngày 29.3, bệnh nhân đầu tiên được thay van tim hai lá bằng kỹ thuật nội soi lần đầu tiên tại Việt Nam đã được Bệnh viện Bạch Mai cho xuất viện Bệnh nhân Đoàn Ngọc Thống (38 tuổi quê ở thôn 1 xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, làm nghề thợ xây.
Cách đây 2 năm, anh thường xuyên bị đau ngực, mệt, khó thở khi gắng sức, sau đó việc khó thở tăng dần dù chỉ làm việc nhẹ. Anh Thống tưởng mình bị lao nên đi khám ở Bệnh viện lao của tỉnh, tuy nhiên, các bác sĩ chẩn đoán anh bị hở hai lá nhiều, hẹp hai lá khít ở tim, suy tim. Khi anh Thống được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cũng chẩn đoán anh bị hở van hai lá, suy tim độ II, III, cần phải phẫu thuật để thay van tim nếu không nguy cơ tử vong rất cao.
Vết mổ của bệnh nhân rất nhỏ. |
Theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch, dù kỹ thuật khó hơn và đòi hỏi có những dụng cụ phẫu thuật chuyên biệt nhưng với phương pháp này người bệnh được lợi hơn rất nhiều. “Rất nhiều người bệnh cần thay van tim nhưng không thể phẫu thuật vì sức khỏe, già yếu, có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ… Bởi lẽ với phương pháp truyền thống là mổ để sửa hay thay van tim thì phẫu thuật viên buộc phải cưa xương ức, banh ngực dài 20- 30 cm để tiếp cận buồng tim, sau khi đã cho tim ngưng đập và chạy máy tim phổi nhân tạo. Phương pháp mổ mở này chính là cách tạo ra gẫy xương giả tạo sau đó dùng chỉ khâu buộc lại” – bác sĩ Hùng cho biết.
Như vậy, để liền xương người bệnh cũng phải mất 3- 4 tháng chưa kể các biến chứng chảy máu, nhiễm trùng, viên xương sau mổ. Đặc biệt, nhiều phụ nữ sau khi mổ tim đã rất tự ti về bộ ngực của mình vì vết sẹo dài hàng chục cm. Trong khi đó, kỹ thuật thay van tim bằng nội soi hoàn toàn khắc phục được tình trạng trên: không mất máu, không lo nhiễm trùng, nhanh liền, có thẩm mỹ.
Theo bác sĩ Hùng, ca phẫu thuật diễn ra trong vòng 3h với những kỹ thuật rất khó. Các bác sĩ chỉ rạch 2 lỗ, mỗi lỗ khoảng 1cm để đưa dụng cụ nội soi vào cắt phần van tim bị xơ cứng. Sau đó, bác sĩ lại rạch thêm một lỗ 2cm ở bên ngực để đưa van nhân tạo vào. Việc cắt dây chằng, cột cơ, van tim đều thực hiện qua lỗ nhỏ như vậy.
Bệnh nhân tỉnh ngay sau mổ, ít đau. Sau 6 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Thống đã có thể đi lại, nói chuyện, các chỉ số tim mạch đều rất ổn định và được xuất viện. Trong khi một ca tim mổ phanh phải mất 10-15 ngày bệnh nhân mới xuất viện và sau 3-4 tháng mới liền xương.
Theo GS-TS Nguyễn Lân Việt – Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), tổng số ca mổ tim tại bệnh viện trong 11 tháng năm 2012 đã lên đến 826 ca, trong đó phẫu thuật van hai lá chiếm nhiều nhất với hơn 380 ca. “Đây là bệnh khá phổ biến đối với các bệnh nhân bị bệnh tim. Vì thế, kỹ thuật thay van hai lá nhân tạo bằng phương pháp phẫu thuật nội soi sẽ mở ra nhiều cơ hội được sống khoẻ mạnh đối với nhiều bệnh nhân – GS Việt cho biết.
Theo GS Việt, phẫu thuật nội soi thay van tim đã được triển khai tại nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, từ năm 1997, sau đó được thực hiện ở một số nước Châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên phương pháp này được ứng dụng tại Việt Nam.
GS Việt cũng cho biết, thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục ứng dụng phẫu thuật nội soi trong một số phẫu thuật tim khác như sửa van tim hai lá, mổ cắt u nhỏ trong buồng tim, vá lỗ thông liên nhĩ…
Diệu Linh