Dân Việt

Tìm cơ hội sống cho bệnh nhân nông thôn

29/03/2013 08:40 GMT+7
Dân Việt - Nếu phát triển được các trung tâm truyền máu toàn quốc, thu nhận và sản xuất được các chế phẩm từ máu thì bệnh nhân khu vực nông thôn có cơ hội sống cao hơn.

Đó là nhận định của Thạc sĩ- Bác sĩ Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu Trung ương chia sẻ với Dân Việt về việc đẩy mạnh sản xuất chế phẩm từ máu để phục vụ bệnh nhân vùng sâu, xa.

img
Ông Phạm Tuấn Dương.

Vì sao phải tăng cường sản xuất các chế phẩm từ máu, thưa ông?

- Về lý thuyệt, 1 đơn vị máu (250cc) máu khi lấy ra thì có nhiều thành phần như huyết tương, bạch cầu, tiểu cầu… Lượng hồng cầu trong 1 đơn vị máu thì đủ cho 1 lần truyền tối thiểu. Nhưng nếu bệnh nhân chỉ thiếu tiểu cầu thì 1 đơn vị máu không đủ mà phải cần tới 4 đơn vị máu. Cá biệt như bệnh ưa chảy máu (tên khoa học là bệnh Hemophilia A) cần tới 8 đơn vị máu mới lấy đủ các yếu tổ gây đông máu để điều trị cho bệnh nhân. Có ngày phải điều trị 2 lần, tức là cần tới 16 đơn vị máu- tương đương với 4 lít máu. Với 1 người bình thường, việc truyền 1 lít máu đã là điều không thể (vì truyền chậm, phải pha 4 đơn vị máu vào thì nguy nhiễm bệnh, nhiễm khuẩn rất cao), nói gì tới 4 lít máu. Vì thế, việc tách các thành phần trong máu, phục vụ các mục đích điều trị khác nhau rất quan trọng để hạn chế nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn truyền máu.

Hơn nữa, cùng một đơn vị máu có thể tách ra nhiều thành phần thì truyền được cho nhiều bệnh nhân. Ví dụ bệnh nhân tiểu cầu phải cả 4 đơn vị máu chưa tách thì vừa thừa vừa đắt. 1 đơn vị máu có giá 445 ngàn đồng, nếu truyền đủ thì mất gấn 2 triệu đồng, trong khi tác tiểu cầu thì 1 lần truyền chỉ mất 500 nghìn. Với bệnh nhân mắc bệnh máu, chi phí điều trị rất lớn, dù người giàu cũng khó gánh được gắng nặng y tế, nói gì người nghèo. Việc tăng cường sản xuất các chế phẩm máu giúp giảm chi phí điều trị, tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.

Theo đánh giá của ông, trình độ sản xuất các chế phẩm máu ở Việt Nam đang ở mức nào?

Năm 2012, cả nước có trên 900.000 lượt hiến máu nhưng vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu, nếu tính theo tiêu chuẩn của WHO thì Việt Nam cần khoảng 1,6-1,7 triệu lượt hiến máu. Nhưng thực tế nhu cầu thì thiếu hụt trên toàn quốc khoảng 20-30% vì lý do nhiều người dân nông thôn ốm không đi bệnh viện nên không tính được nhu cầu.

- Hiện nay chúng ta sản xuất được 6 chế phẩm từ máu, trong đó có các chế phẩm đòi hỏi trình độ rất cao như tủa lạnh (chữa rối loạn đông máu); huyết tương tươi; khối tiểu cầu…đủ để đáp ứng các yêu cầu điều trị. Ở tuyến TƯ, chúng tôi đã tự tin về nhân lực có thể thực hiện được những kỹ thuật sản xuất chế phẩm máu phức tạp nhất. Tuy nhiên, về nguyên vật liệu và máy móc thì hiên nay 100% phải nhập ngoại, ngay cả các loại xét nghiệm sàng lọc đảm bảo an toàn máu, kim tiêm, túi đựng, dung dịch bảo quản, thậm chí kẹp, panh cũng phải nhập rất đắt đỏ nên cũng hạn chế khả năng trang bị.

img
Vận động hiến máu ở Hòa Bình

Việc sản xuất chế phẩm máu có ích gì cho bệnh nhân nông thôn, thưa ông?

- Tuy còn bất cập nhưng xét về lộ trình thì đó cũng là bước tiến dài, trước đây 5 năm, máu còn phải đựng vào chai, không thể xử lý sản xuất chế phẩm, thì nay có thể xử lý ở cấp khu vực, tỉnh, đem lại cơ hội sống cho nhiếu bệnh nhân. Chẳng hạn, ở khu vực nông thôn nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Bệnh này có thể tự khỏi sau 5-7. Nhưng nếu bị nặng thì gây thiếu tiểu cầu, gây thiếu máu trên não, xuất huyết phủ tạng thì rất nguy hiểm. Lúc đó truyền tiểu cầu vào thì bệnh nhân được hỗ trợ để khỏi bệnh. Trước kia, bệnh viện khu vực không tách được tiểu cầu, nay tách được thì bệnh nhân không phải chuyển tuyến, cơ hội sống cao hơn.

Theo Viện huyết học và truyền máu TƯ, có bao nhiêu bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực làm được các kỹ thuật này?

- Thực tế hiện nay thì rất ít nơi làm được. Đó cũng là điều đáng suy nghĩ. Hiện nay bệnh nhân thì ở khắp nơi, cả hải đảo, vùng sâu, xa, nếu chỉ trông chờ việc cung cấp máu và các chế phẩm từ máu từ Viện huyết học thì rất lâu, vận chuyển tốn kém. Điều quan trọng nhất là phải định hướng chỗ nào có người bị bệnh thì cũng cần người hiến máu. Phải tập trung xét nghiệm sàng lọc và điều chế. Tuy nhiên, việc lấy máu, xét nghiệm, điều chế phải tập trung, làm thường xuyên để có tay nghề cao. Hiện Viện chúng tôi đang trình Bộ Y tế phê duyệt quy hoạch hệ thống trung tâm truyền máu toàn quốc ở các khu vực. Ví dụ Tây Bắc thì xây dựng trung tâm ở Điện Biên, họ sản xuất được chế phẩm máu thì hỗ trợ cho Sơn La, Lai Châu; Khu vực trung tâm Hải Phòng cung cấp máu cho Hải Dương, Quảng Ninh… Hà Nội hiện đang cung cấp cho 15-16 tỉnh thành, trong đó có cả tỉnh xa xôi như Lào Cai. Nếu hệ thống trung tâm phát triển thì bệnh nhân khu vực xa xôi cũng được hưởng lợi.

Hiện nay đã có một số tỉnh có trung tâm truyền máu nhưng năng lực kém, nhân lực chưa được đào tạo. Như vậy trách nhiệm các trung tâm là vừa phải mở rộng năng lực của mình, vừa phải tiếp nhận máu hiến.

Như vậy, việc vận động hiến máu ở nông thôn sẽ dễ dàng hơn?

- Đúng vậy, hiện nay chúng tôi tiếp nhận máu hiến cả ở nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, việc tổ chức hiến máu ở nông thôn gặp nhiều khó khăn về chi phí tổ chức, bảo quản máu. Nhiều khi lấy máu ở các xã, người dân chen nhau hiến, còn “kiện” sao lấy của họ mà không lấy của tôi. Hiện nay, theo quan sát của tôi, 40% lượng máu hiến là từ khu vực nông thôn nhưng lại tập trung về Hà Nội để điều chế, sản xuất chế phẩm. Nhiều khi cũng không cung cấp trở lại được. Nếu phát triển các trung tâm chân rết, người dân nông thôn cũng có điều kiện tham gia hiến máu và được hưởng lợi từ chương trình hiến máu nhân đạo. Tức là họ hiến bao nhiêu, khi có bệnh cần máu để điều trị thì sẽ được “trả lại” bấy nhiêu. Hoạt động đó vừa giúp giảm chi phí điều trị bệnh, vừa có ý nghĩa nhân văn.

Xin cảm ơn ông!