Dân Việt

Hạn chế cám dỗ khi làm luật

29/03/2013 09:41 GMT+7
(Dân Việt) - Hầu hết cơ quan chấp bút soạn thảo luật đều tập trung vào khía cạnh thủ tục thực hiện luật sao cho tiện lợi đối với cơ quan công quyền hơn là tính đến quyền lợi hoặc khó khăn của đối tượng mà luật áp dụng...

Phóng viên NTNN đã trao đổi với luật sư Nguyễn Thế Truyền - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Luật Hợp danh về sự không khả thi của một số chính sách mới.

Xin luật sư cho biết ý kiến về việc thời gian qua, nhiều chính sách hoặc văn bản pháp luật sắp hoặc đã được ban hành bị dư luận phản ứng mạnh mẽ?

- Văn bản pháp luật khi được ban hành ra không thể thực hiện, gây khó khăn cho chính các cơ quan Nhà nước và khó khăn cho người dân trong chấp hành pháp luật, như quy định “phạt xe không chính chủ”, thực ra đã được quy định trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP từ năm 2010, nhưng chưa bao giờ được thi hành cho đến khi Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ra đời, mức phạt tăng lên và đưa vào triển khai thi hành thì vấp phải nhiều ý kiến phản ứng của dư luận.

Sự bối rối thể hiện ngay cả trong cơ quan chức năng chứ không chỉ ở người dân đối diện với thực tế sẽ bị phạt. Đặc biệt, việc văn bản pháp luật Nhà nước đưa ra thiếu tính khả thi, không hoặc chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tế xã hội đối với người dân sẽ khiến tâm lý người dân bất ổn vì các quy định pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến người dân lại dường như có nhiều điều tréo ngoe gây khó khăn cho cuộc sống của họ.

Do đó, hậu quả tất yếu là những quy định như vậy trong văn bản pháp luật không thể phát huy được hiệu lực thi hành, khi áp dụng hoặc mới có trong dự thảo lấy ý kiến đã gặp phải ý kiến phản ứng của dư luận. Việc này đang thể hiện lỗ hổng lớn trong việc xây dựng pháp luật của cơ quan chức năng.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khiến người dân phản ứng như hiện nay, thưa ông?

- Điều kiện để một văn bản pháp luật có tính khả thi là văn bản đó phải phản ánh đúng hiện thực khách quan, phải được xây dựng phù hợp với điều kiện cụ thể của xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Các quy định pháp luật phải có bộ máy thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý hành vi vi phạm và có đủ ngân sách, kinh phí thực hiện. Cần có những quy định rõ, cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong thực hiện các quy định của luật.

Nhưng thực tế, các cơ quan xây dựng pháp luật đã đưa ra nhiều quan điểm quản lý xã hội còn nóng vội, nhiều điểm còn thiếu cân nhắc, hoặc chưa đủ điều kiện, hoàn cảnh để đem lại tính khả thi cho điều luật. Việc soạn thảo chính sách, pháp luật hiện nay còn thiếu khoa học, không hoặc chưa có khảo cứu thấu đáo và lắng nghe nghiêm túc ý kiến đóng góp từ giới chuyên môn. Hầu hết cơ quan chấp bút soạn thảo luật đều tập trung vào khía cạnh thủ tục thực hiện luật sao cho tiện lợi đối với cơ quan công quyền hơn là tính đến quyền lợi hoặc khó khăn của đối tượng mà luật áp dụng, chưa đứng trên quan điểm làm luật để tạo điều kiện cho đối tượng luật điều chỉnh thực hiện dễ dàng.

Nói một cách khác, cơ quan nào soạn thảo hoặc ban hành chính sách đều phải tuân thủ theo các nguyên tắc kiểm soát trong cả quá trình soạn thảo, phòng ngừa hạn chế nguy cơ lạm dụng thẩm quyền soạn luật, hạn chế thấp nhất sự cám dỗ của quyền lợi, phải có những chuyên gia giỏi về lĩnh vực đó để có thể đưa các chính sách của Nhà nước thành ngôn ngữ pháp lý. Việc khảo sát, nghiên cứu cần được thực hiện với sự tích cực cao nhất chứ không phải chỉ hình thức như hiện nay.

- Xin cảm ơn luật sư!

Luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Dân phản ứng là điều đương nhiên

Cần phải nói rằng việc xây dựng những quy định đều mang mục đích tốt đẹp cho xã hội. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm soạn thảo ra các quy định đó lại thiếu thực tế. Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không có chế tài xử lý đơn vị ra văn bản không phù hợp. Cái không phù hợp chỉ bị kiến nghị Bộ Tư pháp bãi bỏ. Theo tôi, khi mỗi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có sự phản ứng từ phía người dân là điều đương nhiên, bởi họ là đối tượng bị tác động. Phản biện là thông tin 2 chiều để cơ quan chức năng xem xét, chọn lọc để đưa ra quy định phù hợp hơn.

Luật sư Ngô Ngọc Thủy (nguyên Trưởng khoa Luật Hình sự - ĐH Luật HN): Thiếu khả thi, tự nó vô hiệu

Vấn đề ban hành quy định thiếu tính khả thi thì ở quốc gia nào cũng xảy ra, chỉ có điều khác nhau là nhiều hay ít. Ở những nước phát triển như Anh, Pháp, Đức... những văn bản pháp luật họ đưa ra trải qua hàng trăm năm vẫn còn giá trị. Vì thế, quy định, chính sách ngoài tính thực tiễn trong cuộc sống, còn phải mang tính dự báo. Ở nước ta dường như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn chạy theo xu hướng chính trị nên hiệu quả chưa cao, chưa nói tới việc quy định thiếu tính khả thi mất hiệu lực. Theo tôi, khi ban hành ra quy định phải có cơ chế để thực hiện (ai là người thực hiện, trách nhiệm của họ ra sao); tránh để tình trạng một số quy định ban ra chẳng ai thực hiện, tự nó vô hiệu, khiến người dân mất lòng tin.