Tiến sĩ Lê Hồng Sơn (Bộ Tư pháp):
Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước mới ban hành cũng không xác lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai trái. Đây là vấn đề phải nghiên cứu để bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền, xác định trách nhiệm đầy đủ của cơ quan Nhà nước, cá nhân công chức khi ban hành, thể chế pháp luật sai trái cho xã hội, cho công dân. Có như vậy mới hạn chế tình trạng ban hành văn bản, thể chế sai gây hậu quả cho xã hội.
Có 3 vấn đề gây nghẽn trong khâu soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật dẫn tới những văn bản thiếu thực tiễn. Thứ nhất, các quan hệ xã hội phát triển rất nhanh, ngày càng đa dạng phức tạp nên việc phát hiện, nắm được tinh thần của vấn đề, xác định được nhu cầu ban hành thể chế là không dễ. Thứ hai, lực lượng tham gia soạn thảo có nhiều hạn chế về trình độ nhận thức. Đó là chưa kể vừa qua, bộc lộ một số trường hợp bị lợi ích cục bộ, ngành, địa phương, lợi ích nhóm chi phối, “lái” thể chế chính sách theo mục đích chủ quan. Cuối cùng, nhận thức và sự quan tâm điều hành chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị cũng hời hợt, qua loa đại khái, giao cho cấp dưới thực hiện mà thiếu sự quan tâm, giám sát.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) được giao trách nhiệm hậu kiểm. Tuy nhiên, văn bản đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành rồi thì Cục mới vào cuộc để kiểm tra. Trong quá trình chuẩn bị, soạn thảo, lấy ý kiến, thảo luận, Cục Kiểm tra văn bản không được biết. Trong khâu hậu kiểm còn những vấn đề bất cập như thiếu một cơ chế mang tính độc lập cao, có quyền năng thực sự để xem xét phán quyết một văn bản quy phạm pháp luật có hợp pháp, hợp hiến hay không, có tuyên hủy nó hay không. Hiện nay, chúng ta mới đang nghiên cứu xác lập Hội đồng Hiến pháp làm nhiệm vụ xem xét và phán quyết tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật.
Ngọc Lương (ghi)