Cẩn tắc đúng là vô áy náy nhưng nhiều khi không cần thiết. Bằng chứng là người kiêng đường đến phát thèm vẫn bệnh như thường nếu cuộc sống tẩm đầy chất khác-stress!
Nhờ tiến bộ nhảy vọt trong mô hình nghiên cứu, thầy thuốc bây giờ đã hiểu đúng hơn, hiểu rõ hơn về giấc ngủ. Quan điểm trước đây vài chục năm, chức năng của giấc ngủ hầu như chỉ khu trú trong phạm vi phục hồi, quả thật quá hạn hẹp. Giấc ngủ là khoảnh khắc vô cùng quan trọng vì là lúc thao diễn của nhiều hoạt động đa dạng để chủ động bảo vệ sức khỏe.
Giấc ngủ đầy đủ chất lượng thậm chí là một trong các yếu tố quyết định để phòng ngừa nhiều bệnh chứng nghiêm trọng. Bằng chứng là kháng thể được tổng hợp nhiều hơn, hồng cầu được tạo nhanh hơn, thực bào được huy động mạnh hơn, biến dưỡng được gia tốc… trong lúc gia chủ đang ngáy o o.
Đáng nói hơn nữa kể từ khi chuyên gia ngành nội tiết ở Hoa Kỳ chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa giấc ngủ và bệnh tiểu đường. Kết quả của một công trình theo dõi kéo dài hơn chục năm với cả ngàn đối tượng cho thấy người thường khi ngủ không đủ 5 giờ đồng hồ mỗi đêm dễ bị bệnh tiểu đường khi vượt qua độ tuổi 40, nếu so sánh với nhóm đồng niên ít khi bị mất ngủ.
Lý do rất đơn giản. Cảm giác mỏi mệt do ngủ không đủ khiến hệ thần kinh hiểu lầm là cơ thể thiếu năng lượng. Tuyến yên khi đó ra lệnh cho tụy tạng phóng thích nội tiết tố insulin nhiều hơn nhu cầu trong thực tế nhằm thoái biến chất đường để sinh năng lượng. Về mặt cơ chế thì không sai nhưng tình trạng này nếu cứ lặp đi lặp lại quá thường thì tụy tạng đến lúc nào đó phải kiệt lực. Bệnh tiểu đường khi đó bất chiến tự nhiên thành!
Nhưng nếu vì thế rồi tưởng ngủ càng nhiều càng tốt, ngủ càng nhiều càng ngừa được bệnh tiểu đường thì lầm. Các nhà nghiên cứu đồng thời cũng ghi nhận người ngủ quá nhiều cũng là miếng mồi ngon của bệnh tiểu đường. Lý do là vì đa số người dậy trễ ít khi là người đã có giấc ngủ đúng nghĩa ngon lành. Trái lại, họ thường ngủ mê mệt khi trời gần sáng, vì hoặc chợp mắt quá trễ, hoặc tuy ngủ đúng giờ, hay thậm chí ngủ sớm là khác, nhưng thức giấc giữa đêm khuya và trằn trọc đến gần sáng.
Tuyến thượng thận ghi nhận tình trạng này như một thể dạng stress và do đó phóng thích nội tiết tố làm tăng lượng đường trong máu. Người ngủ quá nhiều vì thế dễ có lượng đường trong máu vượt quá định mức bình thường sau khi ngủ dậy. Tình trạng này lúc đầu tất nhiên được điều chỉnh bởi tụy tạng nhưng đến lúc nào đó sẽ trở thành bất trị khi tụy tạng mệt nhoài vì đòn đánh lén của stress, độc chất trong môi trường ô nhiễm, thuốc lá, rượu bia… Bệnh tiểu đường khi đó không ai mong nhưng vẫn đến.
Ai cũng hiểu “ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”. Với vế đầu thì ai cũng rõ khổ đến thế nào nếu ăn không xong, ngủ không yên. Nhưng ý nghĩa của vế thứ hai càng lúc càng rõ nét hơn nữa dưới lăng kính khoa học. Không riêng gì bệnh tiểu đường, nhiều căn bệnh khác không kém phần nghiêm trọng, từ cao huyết áp bước qua trầm uất cho đến ung thư, sở dĩ phát tán chỉ vì nạn nhân nhiều đêm không trọn giấc nồng, hay tuy nằm lâu hơn cả giờ hành chính, nhưng ngủ chẳng bao nhiêu. Đáng tiếc cho cuộc sống được tiếng văn minh để rồi đơn giản như giấc nam kha cũng không xong.
BS Lương Lễ Hoàng