Cược họp diễn ra trong sáng 17.5, tại Hà Nội.
Lĩnh vực đất đai được quan tâm nhiều nhất
Bộ Tư pháp cho biết: Qua công tác tổng hợp kết quả lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có khoảng 18 triệu lượt ý kiến góp ý của tập thể, cá nhân. Kết quả trên có được từ các bộ, ngành, địa phương tổ chức qua hơn 28 nghìn hội thảo, hội nghị.
Chính phủ tiếp thu góp ý của người dân khi đề xuất: Thủ tướng và các bộ trưởng phải báo cáo công tác của mình trước dân. Trong ảnh:Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm khu xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ. |
Trong số 18 triệu lượt ý kiến về 7 nhóm vấn đề của Dự thảo Hiến pháp thì chương III - kinh tế -xã hội, văn hóa giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường có nhiều ý kiến đóng góp nhất, với hơn 1,94 triệu lượt.
Đa phần ý kiến tập trung vào kiến nghị hoàn thiện quy định về các trường hợp thu hồi đất và bồi thường trong các trường hợp thu hồi đất theo hướng trong mọi trường hợp Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất hợp pháp đúng mục đích bị thu hồi đều phải được đền bù theo giá thị trường.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên
Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng mà không quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Về chương VII - Chính phủ, các kiến nghị xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong tổ chức quyền lực nhà nước; tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng; cụ thể hóa mối quan hệ phân công, phối hợp kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước giữa Chính phủ và Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các thiết chế hiến định độc lập.
Chưa tổng kết kinh phí cho đợt “góp ý Hiến pháp”
Trả lời báo chí trước băn khoăn của dư luận việc có bao nhiêu ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, nhân dân đã tổng kết có được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu, ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, việc khẳng định bao nhiêu phần trăm ý kiến của nhân dân đóng góp được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu là rất khó.
“Trong quá trình lấy ý kiến, những ý kiến chất lượng, phù hợp sẽ được lựa chọn. Với những vấn đề chưa được tiếp thu, cơ quan Chính phủ sẽ tìm thêm lý lẽ, lập luận để thuyết phục Ban soạn thảo”, Thứ trưởng Liên nói và cho biết thêm, một trong các nội dung đã được Ban soạn thảo tiếp thu là kiến nghị trong chương 7 về tổ chức Chính phủ: Đề xuất Thủ tướng và các thành viên Chính phủ có trách nhiệm báo cáo công tác của mình trước nhân dân.
Với câu hỏi, các ý kiến đóng góp đã tổng kết thành báo cáo dài hơn 100 trang liệu có được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin hay Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, ông Liên cho biết tuy chưa có quy định nhưng sẽ đề xuất. Về kinh phí cho đợt lấy ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp, ông Hoàng Thế Liên cho biết, chưa tổng kết. Theo ông Liên trong hoạt động quan trọng này, Bộ Tài chính cho phép lấy ngân sách dự phòng để thực hiện. Nhiều nơi cũng kêu ca về kinh phí, nhưng do xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi, dân chủ nên đã cố gắng thực hiện tốt.
Lương Kết