Dân Việt

Lao động di cư bị bỏ quên

Minh Nguyệt 27/08/2013 10:00 GMT+7
“Không thể phủ nhận sự đóng góp của lao động di cư từ nông thôn đối với việc phát triển kinh tế thành thị nơi họ đến, nhưng họ chưa có những hỗ trợ về nhập cư, nhà ở, các chính sách xã hội khác”.
Nhận định trên được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả điều tra “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO” do Cục Việc làm (Bộ LĐTBHX) tổ chức ngày 26.8.

Lao động di cư luôn đối mặt với nhiều khó khăn (ảnh minh họa).
Lao động di cư luôn đối mặt với nhiều khó khăn (ảnh minh họa).

Gần 50% lao động di cư từng làm nông nghiệp

Nghiên cứu này thực hiện trên 7.800 lao động (LĐ) nông thôn di cư ở 15 tỉnh, thành. Báo cáo kết quả từ nghiên cứu này chỉ ra: Đối tượng LĐ di cư chủ yếu là thanh niên, độ tuổi từ 20 -24, cao nhất trong tất cả các độ tuổi. Đối tượng LĐ di cư là nữ giới cao hơn nam giới, con số này lần lượt là 55,9% và 44,1%. Hơn 66% LĐ di cư không có chuyên môn kỹ thuật, hơn 50% LĐ chưa tốt nghiệp hết cấp III, vì thế có tới 48% LĐ di cư làm công nhân, khoảng hơn 40% LĐ khác làm công việc tự do, buôn bán, làm giúp việc… Đa số họ đều thừa nhận công việc họ đang làm rất vất vả, độc hại hoặc nguy hiểm và không ổn định.

Nhiều LĐ được hỏi đều trả lời khó khăn lớn nhất đối với họ chính là vấn đề nhà ở. Hơn 86% lao động di cư ở nhà thuê, 10,8% nhờ nhà người thân, chỉ có 2,9% là sở hữu nhad. Chi phí cho việc thuê nhà, điện nước (chưa kể chi phí sinh hoạt) chiếm 23% tổng thu nhập hàng tháng. Gần 40% LĐ nhập cư tự chữa trị, hoặc không làm gì khi mắc bệnh. Về việc cần hỗ trợ, đứng đầu là mong muốn được hỗ trợ tìm nhà giá rẻ, tiếp sau đó là tìm việc làm cho thu nhập cao và cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế giá rẻ. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ có 48,0% tổng số LĐ di cư vốn là LĐ trong ngành nông nghiệp.

Ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng: “Nguyên nhân của tình trạng di cư được xác định là do lao động không tìm kiếm được việc làm tại địa phương, hoặc làm nông nghiệp cho thu nhập quá thấp. Vì vậy, khi di cư, tiêu chí đầu tiên để lựa chọn công việc của họ chính là việc làm phải có thu nhập cao hơn nơi họ sinh sống, bất chấp khó khăn, kể cả phải làm các công việc phi pháp”.

Chính sách hỗ trợ khó khả thi

Ngoài việc công bố các kết quả, dự án cũng đưa ra một số chính sách, biện pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ cho LĐ nông thôn di cư.

Bà Nguyễn Thị Dân – Trưởng phòng Lao động tiền lương (Sở LĐTBXH TP.Hồ Chí Minh) cho rằng không thể phủ nhận đóng góp của LĐ di cư trong việc phát triển kinh tế địa phương nơi họ đến. Tuy nhiên, đối tượng này lại đang bị “lãng quên” vì chưa có chính sách trợ giúp cụ thể từ các dịch vụ công tới dịch vụ hỗ trợ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như nước sạch, nhà ở…

Nghiên cứu này được thực hiện theo Dự án “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành phố tại các khu công nghiệp”, được tiến hành từ tháng 4.2012 đến tháng 8.2013 tại 15 tỉnh, thành phố lớn nơi có nhiều lao động di cư. Theo đó, tổng nguồn kinh phí là 329.050 USD.


“Hoàn toàn không có chuyện thành phố hay các địa phương phân biệt LĐ di cư và LĐ tại chỗ, nhưng vì hệ thống dịch vụ công đang quá tải nên bao giờ địa phương cũng phải giải quyết những trường hợp có hộ khẩu trước” - bà Dân khẳng định.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trung cũng cho rằng việc thực hiện các chính sách về dịch vụ hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở… rất quan trọng với LĐ nhập cư, vì thế nên triển khai ngay các biện pháp này từ lúc LĐ chưa đến hoặc đã rời đi chứ không phải đến rồi mới hỗ trợ. Thời gian tới, Cục Việc làm cũng sẽ nghiên cứu áp dụng mã số định danh cho LĐ nhằm nắm số lượng LĐ di cư đi và đến.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương thì cho rằng Nhà nước cần tạo cơ chế tài chính để LĐ nông thôn có thể tiếp cận mua nhà ở thu nhập thấp và tạo môi trường cho lao động học tập nâng cao tay nghề. Về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ LĐ di cư, nhiều đại biểu cho rằng không thật cần thiết và cũng rất khó khả thi. “Thực tế đã có rất nhiều nguồn quỹ được lập ra rồi “bỏ hoang” vì không có tài chính để duy trì. Trong khi đó, nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của người dân, xã hội thì nguồn quỹ này khó có thể phát huy hiệu quả” – bà Oanh lý giải.

Ngoài vấn đề về quỹ, đại diện nhiều sở LĐTBXH than thở về việc ngành này có quá nhiều dự án, nhưng nguồn lực (cả tài chính lẫn con người) lại đang rất hạn chế nên chưa bao quát được LĐ nhập cư. Ngoài ra, hàng năm ngân sách trung ương cũng chỉ chi số tiền tương ứng đầu tư dựa trên số dân có hộ khẩu chứ không có tính tới số dân nhập cư mới.