Dân Việt

“Không thể đem hơn 10 triệu dân ra làm thí điểm”

Quốc Ngọc 27/08/2013 13:10 GMT+7
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại Hội nghị đại biểu HĐND TP.HCM góp ý đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị ngày 26.8, đại biểu Từ Minh Thiện cho rằng chữ “thí điểm” gây nhiều bất lợi cho đề án từ phía người dân.
“Người dân cần sự bảo đảm ổn định về mô hình chính quyền. Cụm từ đề án thí điểm tạo tâm lý chưa yên tâm và sự ủng hộ từ người dân sẽ giảm đi rất nhiều” - ông Thiện nói. Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Thanh Châu lo lắng: “Đề án thí điểm thì luôn bị cho là được hoặc không được thì thôi”.

img
Bản đồ TP.HCM khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị với chính quyền thành phố trung tâm và 4 thành phố vệ tinh có chức năng kinh tế khác nhau.
Ông Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP.HCM đồng tình với các ý kiến của đại biểu khi cho rằng: “Thí điểm đúng là có thể hiểu được hoặc không thể được. Tuy nhiên, không thể đem hơn 10 triệu dân thành phố ra thí điểm. Đề án là quyết tâm chính trị của thành phố. Chúng ta cần hiểu thống nhất nguyên tắc chung là như thế, trên tinh thần Quốc hội sẽ ra nghị quyết cho thành phố làm. Tên gọi đề án có thể hoàn chỉnh sau”.

Trình bày các điều chỉnh liên quan đến đề án từ ý kiến đóng góp trong suốt hơn 2 tuần qua, ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết sẽ bỏ dự thảo 3 chức danh thị trưởng, quận trưởng, phường trưởng. Thay vào đó, cấp chính quyền nào có HĐND thì sẽ có UBND và người đứng đầu ủy ban đó gọi là chủ tịch UBND. Cấp chính quyền không có HĐND, thì chỉ có Ủy ban hành chính và người đứng đầu cơ quan này sẽ là chủ tịch Ủy ban hành chính. Ngoài ra, ông Lắm khẳng định 4 thành phố mới sẽ được đặt tên theo địa danh lịch sử gắn liền với vùng đất địa phương. Chính quyền đô thị bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, mà cụ thể là Thành ủy và Đảng bộ thành phố.

Tiếp tục góp ý cho đề án, đại biểu Huỳnh Công Hùng cho rằng cần phải có cơ chế quản lý kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực tương ứng mà thành phố đóng vai trò chủ động cho việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Ông Từ Minh Thiện đề nghị cần có đánh giá rõ, dự đoán được chi phí cho việc xây dựng và vận hành mô hình chính quyền đô thị. Từ đó, mới có thể bảo đảm mục tiêu phát triển của thành phố từ các kịch bản huy động nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ nhân dân.

Đại biểu Lâm Thiếu Quân mong muốn xây dựng mô hình chính quyền đô thị bằng tầm nhìn 30 - 40 năm sau thì mới có thể khả thi được.