Ngày 17.5, tại Hà Nội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc hội thảo "Thực trạng chính sách tiền lương và các giải pháp cải cách”. Hiện các Bộ Nội vụ, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính… đều đã sẵn sàng các phương án cải cách để lấy ý kiến trước khi chung tay xây dựng Đề án cải cách mới.
Ảnh minh họa |
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội nhấn mạnh, chính sách tiền lương hiện hành có bất cập khi có 2 loại lương tối thiểu (của khu vực nhà nước và doanh nghiệp) tạo ra sự phân chia nhu cầu sống tối thiểu.
Vì vậy, định hướng của Ủy ban là các giải pháp cải cách tiền lương phải hướng tới mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố, hoặc chỉ có lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp để làm cơ sở cho chủ sử dụng lao động và người lao động tự thoả thuận tiền lương, còn khu vực nhà nước thì xây dựng mức tiền lương cơ bản tương ứng với mức thu nhập trung bình khá của xã hội. Tiền lương công chức sẽ gắn với năng suất, hiệu quả công việc.
Trên cơ sở định hướng, Bộ LĐTBXH và Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất các phương án cải cách. Cụ thể, với công chức, viên chức, ông Đoàn Cường - Vụ trưởng vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) đưa ra rất nhiều thông tin đáng chú ý về cải cách ở từng hợp phần gồm: Mức lương tối thiểu; quan hệ lương tối thiểu, trung bình, tối đa; thang bảng lương và các chế độ phụ cấp, cơ chế quản lý lương…
Về lương tối thiểu khối công chức viên chức, điểm nhấn đặc biệt của Bộ Nội vụ là đề xuất mức lương này không thấp hơn mức của lao động trong các doanh nghiệp trên cùng địa bàn (tức là sẽ phân theo vùng trả lương, chẳng hạn như chính sách trả lương cho lao động trong các doanh nghiệp hiện nay thì công chức sẽ được trả cao nhất là 2 triệu đồng/tháng - vùng 1 và thấp nhất 1,4 triệu đồng/tháng - vùng 4, sau đó nhân với hệ số lương).
Về khoảng giãn cách lương tối thiểu - trung bình - tối đa, Bộ Nội vụ đề xuất 2 phương án: 1-3,2-15 và 1-3,5-15 (chính sách hiện hành là 1,-2,34 và 10)
Về thang bảng lương, Bộ Nội vụ đưa ra phương án tách riêng 2 nhóm là: Lương dành cho cán bộ công chức giữ các chức danh lãnh đạo và lương cho công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Với nhóm 1 cũng có 2 phương án trả lương: Thiết kế bảng lương chức vụ các chức danh lãnh đạo từ cán bộ xã tới bộ trưởng (nếu cán bộ lãnh đạo có chức danh chuyên môn thì xếp lương chuyên môn cộng phụ cấp lãnh đạo) hoặc thiết kế bảng lương cùng áp dụng tất cả chức danh, nếu đảm nhiệm chức danh từ nhiệm kỳ thứ 2 thì cứ đủ 5 năm hưởng thêm 5% lương.
Với nhóm 2 cũng có 2 phương án: Giữ nguyên phương án hiện hành hoặc thiết kế bảng lương mới theo nguyên tắc mỗi ngạch công chức chỉ có 1 mức lương, hoành thành nhiệm vụ được giao thì tăng thêm 5-10% mức lương của ngạch công chức được bổ nhiệm…
Bộ Nội vụ cũng đề xuất, lương khối sự nghiệp (y tế, giáo dục) cần đưa đơn giá lương vào dịch vụ để tính đúng, tính đủ nhưng cần phải theo lộ trình, có sự hỗ trợ chi phí dịch vụ cho hộ nghèo, chính sách và đảm bảo sức chi trả của người dân.
Về phía Bộ LĐTBXH, ông Hoàng Minh Hào - Vụ Phó Vụ Lao động tiền lương cho biết, Bộ này trình các phương án cải cách tiền lương dành cho lao động trong khối doanh nghiệp gồm: Hình thành Hội đồng lương quốc gia (trên cơ sở 3 bên: Nhà nước, Liên đoàn lao động và doanh nghiệp); vẫn xây dựng lương tối thiểu cho lao động giản đơn ở điều kiện làm việc bình thường, các lao động khác sẽ thực hiện lương thoả thuận với chủ sử dụng lao động; ngoài lương tối thiểu theo tháng, ngành sẽ xây dựng lương tối thiểu theo giờ (để hỗ trợ lao động tự do)…
Hội thảo diễn ra 2 ngày 17,18.5, có sự tham dự và tham vấn ý kiến của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Các bộ ngành sẽ tích cực lấy ý kiến, thảo luận và thống nhất các phương án cải cách.
Lê Huyền