Dân Việt

ĐBSCL: Ngành tôm lại điêu đứng

18/05/2012 09:42 GMT+7
(Dân Việt) - Ngành nuôi và chế biến xuất khẩu tôm đang đứng trước khó khăn hơn bao giờ hết khi phải đối mặt với dịch bệnh ngày càng phức tạp, thị trường bị thu hẹp, thiếu vốn để sản xuất...

Cú “đúp” dịch bệnh, rớt giá

Mấy tháng nay, giá tôm ở ĐBSCL lao dốc không phanh. Hiện tại, ở các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau… giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg chỉ còn 190.000 - 200.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 140.000 – 160.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 130.000 đồng/kg; giảm từ 50.000 – 70.000 đồng/kg tùy loại so với đầu năm.

img
Tôm sú từ con “hái ra tiền” đang trở thành vật “lấy hết tiền” của người nuôi tôm.

Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg cũng giảm từ 105.000 -110.000 đồng/kg xuống còn 75.000 đồng/kg. Đây là mức giá tôm nguyên liệu giảm cao nhất từ trước đến nay. Sau những trận dịch bệnh làm tôm chết hết, người nuôi tôm lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chưa kịp gượng dậy, nay gặp giá bán lại giảm khiến họ đã “rách” càng thêm “nát”.

Ông Nguyễn Văn Phương, có 10 đầm nuôi tôm trên 3ha ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, lo lắng: "Mỗi năm gia đình tôi thu hoạch trên 20 tấn tôm. Chỉ cần giá bán chênh lệch 50.000 đồng/kg thì đã mất 1 tỷ đồng. Khó khăn, vất vả cả năm, đến khi thu hoạch giá cả thấp như thế này thì chúng tôi sạch vốn mất".

Khốn khổ hơn, gia đình anh Lê Văn Tâm ở Bình Đại, Bến Tre, sau khi thả nuôi tôm đợt đầu năm bị dịch bệnh chết hết, sạch cả vốn, phải vay nợ để mua con giống, thức ăn, thuốc men gầy lại đợt mới. “Giá cả mọi thứ đều lên nhưng gia đình phải cắn răng cầm cố cả cái nhà để vay nợ. Nghĩ rằng tôm do dịch bệnh chết nhiều, nguyên liệu thiếu, mình gầy lại đợt mới sẽ kiếm lời to. Ấy thế mà nay tôm lại rớt giá thê thảm, cầm chắc lỗ, gia đình mai mốt không biết sẽ sống ra sao đây?” - anh rầu rĩ.

Thị trường bị thu hẹp

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), nguyên nhân giá tôm trong nước giảm do giá và hợp đồng xuất khẩu giảm, bởi tình hình tài chính kinh tế khó khăn, kế hoạch chi tiêu của nhiều nước cắt giảm, người tiêu dùng thế giới đang chuyển qua dùng các loại thực phẩm rẻ tiền hơn. Trong khi đó, đây cũng đang là thời điểm một số nước như Thái Lan, Philippines đang thu hoạch tôm ồ ạt và trúng mùa; Ấn Độ có tôm tồn kho nhiều cũng đang đẩy hàng ra khiến cho tôm Việt Nam càng gặp sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu.

Các chuyên gia đánh giá rằng sự gãy đổ dây chuyền domino từ ngành cá qua ngành tôm đang ngày càng rộng lớn. Cùng với việc tự thân vận động, tiết giảm tối đa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; nông dân và DN ngành thủy sản ĐBSCL đang hy vọng từ gói cứu trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ cộng với việc hạ lãi suất cho vay xuống còn 15% sẽ là “đòn bẩy” giúp họ vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay.

Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh nên chất lượng tôm cũng giảm sút. Các nước nhập khẩu theo đó càng siết chặt an toàn vệ sinh thực phẩm khiến thị trường xuất khẩu càng bị thu hẹp. “Không chỉ thu vào với mức giá thấp, các doanh nghiệp (DN) mua tôm cũng dè chừng, tuyển chọn tôm rất kỹ bởi họ lo ngại tôm nhiễm chất kháng sinh” – ông Hòe nói.

Không những thế, một nguyên nhân khác, mà các DN cho rằng đây mới là nguyên nhân chính làm giá tôm giảm, là do các DN đã hết tiền mua tôm. Giống như bên ngành cá tra, các DN chế biến xuất khẩu tôm từ đầu năm đến giờ cũng đối mặt với việc ngân hàng đòi nợ cũ và siết chặt tín dụng trong việc cho vay mới, khiến họ gặp khó khăn về vốn nên chỉ thu mua cầm chừng để chế biến cho các đơn hàng đã ký kết, chứ không dám thu mua chế biến để dự trữ như trước đây.

Ông Lý Văn Thuận - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho biết, trong số 37 nhà máy, xí nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh thì hiện hơn 60% chỉ còn hoạt động cầm chừng. Trong đó có khoảng 11 nhà máy đang đứng trước nguy cơ phá sản bất cứ lúc nào. Còn tính chung cả ngành thủy sản ĐBSCL thì hiện có tới 300 nhà máy chế biến xuất khẩu đã ngừng hoạt động.