Nuôi cá bóp lồng bè đã được triển khai thành công tại một số đảo của tỉnh Kiên Giang. Ở Cà Mau, mô hình này đang được một số hộ dân trên đảo Hòn Chuối nuôi thử nghiệm và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lê Văn Phương, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản đảo Hòn Chuối là một trong những ngư dân đầu tiên trên đảo thử nghiệm mô hình nuôi cá bóp lồng. Sau 5 tháng thả nuôi, bè cá của anh lớn rất nhanh, ít hao hụt, tỷ lệ cá sống đạt trên 98%.
Lồng nuôi cá bóp trên đảo Hòn Chuối (Cà Mau). |
Cá giống được người dân thu gom tại chỗ, chi phí đầu tư cho mỗi bè (có sức chứa khoảng 400 con) khoảng 40 triệu đồng, thức ăn là nguồn cá tạp khá dồi dào. Sau 6 tháng thả nuôi, bình quân mỗi bè cũng thu về từ 150 - 200 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Đây được xem là một trong những mô hình hiệu quả nhất nhằm chuyển đổi ngành nghề cho cư dân ven biển và giúp dân thoát nghèo.
Anh Trần Thanh Mỹ - cán bộ thủy sản thị trấn Sông Đốc cho biết: “Cá bóp là loài cá nhanh lớn, khỏe mạnh, ít bị bệnh, kỹ thuật nuôi đơn giản, sau 6 - 7 tháng nuôi thì bắt đầu thu hoạch cá thương phẩm, trọng lượng mỗi con lúc này đạt 5 - 6kg, giá bán từ 95.000- 120.000 đồng/kg. Cà Mau có nhiều đảo nhỏ với nguồn nước trong, thay đổi liên tục như Hòn Khoai, Hòn Chuối… rất phù hợp để nuôi cá bóp lồng”.
Tuy nhiên, để đầu tư lồng bè và cá giống thì cần phải có nguồn vốn lớn từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, đây là trở ngại lớn nhất đối với người nuôi cá.
Ông Nguyễn Hữu Phước, trước đây cũng sống bằng nghề đánh bắt cá, nay chuyển qua nuôi cá lồng bè. Theo ông, một người có sẵn lồng bè, đầu tư con giống khoảng 30 triệu đồng, sau 8 tháng, trừ hết các chi phí còn lời trên 50 triệu đồng. Ông Phước bộc bạch: “Hiện tại, trên đảo có khoảng 30 hộ làm mô hình này với tổng vốn trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên điều chúng tôi băn khoăn nhất là chưa thể thành lập được tổ hợp tác để có thể đoàn kết với nhau trong vấn đề con giống, kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm. Nếu không khi thấy mô hình hay, người dân phát triển ồ ạt, công tác quản lý khó khăn, đời sống người dân nơi đây sẽ không ổn định.”
Làm giàu là một ước mơ không riêng gì cư dân trên đảo Hòn Chuối. Với đặc thù hơn 80% dân sống trên đảo là hộ nghèo, thì ước mơ làm giàu càng cháy bỏng hơn. Vấn đề còn lại lúc này là chính quyền địa phương cần tổ chức, hướng họ đến một mô hình sản xuất bền vững. Một khi cuộc sống của họ được ổn định thì việc chuyển đổi ngành nghề cho cư dân ven biển sẽ không còn là một gánh nặng cho địa phương nữa.
Ngọc Huệ