Dân Việt

Tồn lưu hóa chất BVTV: Cần thiết lập hệ thống thông tin quản lý

18/05/2012 09:35 GMT+7
(Dân Việt) - Theo đề xuất của các nhà khoa học, Việt Nam cần thiết lập hệ thống thông tin để quản lý hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

Việc tồn tại hàng nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu (POP) hiện nay trên cả nước không những ảnh hưởng đến sức khỏe con người, mà còn tác động rất lớn đến môi trường sống.

Theo ước tính, hiện cả nước có khoảng 1.000 tấn hóa chất được tìm thấy ở các điểm chôn lấp. Chính các điểm chôn lấp này đáng lo ngại hơn nhiều so với các nguồn tồn lưu trên mặt đất, vì quy mô lớn hơn và ít được kiểm soát hơn.

img
Thuốc bảo vệ thực vật đang gây ô nhiễm cho môi trường.

Để giải quyết vấn đề này, gần đây, Việt Nam đã thông qua hoặc tiến tới 17 công ước quốc tế về môi trường, trong đó có Công ước Stockholm về các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POP). Việc thông qua Công ước Stockholm về POP vào ngày 22.7.2002 là một minh chứng cho chiến lược tổng thể về bảo vệ môi trường và theo đuổi phát triển bền vững của Việt Nam.

Từ đó, Chính phủ đã phê duyệt một loạt các văn bản pháp quy cấm sản xuất và sử dụng tất cả các loại hóa chất BVTV POP ở Việt Nam, trong đó DDT và Lindan đã chính thức bị cấm từ năm 1993. Ngoài ra, tất cả 9 loại hóa chất BVTV POP nêu trong Công ước Stockholm đã bị cấm sử dụng.

Nhận thức được vấn đề môi trường liên quan tới các chất POP, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng những chính sách và thực hiện một số hành động cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ hoá chất bao gồm cả POP. Nổi bật nhất trong số này là Kế hoạch hành động quốc gia (NIP) nhằm thực hiện Công ước Stockholm đã được Quốc hội thông qua năm 2006. Kế hoạch hành động quốc gia có 15 hành động ưu tiên, trong đó đứng thứ 2 là “Quản lý, tiêu huỷ và từng bước huỷ bỏ hóa chất BVTV POP tồn lưu một cách an toàn”.

Năm 1998, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/1998/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý việc sử dụng hóa chất BVTV và các chất POP quy định công tác quản lý, xử lý an toàn các chất POP và trách nhiệm của các bộ ngành có liên quan gồm có: Nghiêm cấm tuyệt đối tất cả các tổ chức và các cá nhân sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các loại hóa chất BVTV nguy hiểm và bị cấm. Bất kỳ vi phạm nào cũng sẽ được xử lý theo pháp luật và nếu dẫn tới hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự. Yêu cầu thu gom và xử lý các loại hóa chất BVTV bị cấm đúng lúc và phù hợp, bao gồm cả việc xử lý ô nhiễm môi trường đối với các kho hóa chất BVTV cũ…

Theo ước tính, hiện cả nước có khoảng 1.000 tấn hóa chất được tìm thấy ở các điểm chôn lấp.

Theo đánh giá, vì các chất POP đã được dùng từ lâu trong một vài ngành, rõ ràng nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và quốc phòng nên để có được một bản đánh giá và phân tích toàn diện về tình trạng hóa chất BVTV POP là rất khó. Vì thế, biện pháp quản lý hiệu quả các điểm tồn dư và điểm ô nhiễm tồn lưu cần phải được ghi chép và sắp xếp.

Do đó, trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV- POP tồn lưu tại Việt Nam” của GEF/UNDP đang được Bộ Tài nguyên-Môi trường thực hiện trong 4 năm (2010-2013), các nhà chuyên môn đã đề nghị cần thiết lập hệ thống thông tin quản lý hóa chất BVTV POP. Theo đó, Việt Nam sẽ áp dụng hệ thống thông tin cơ sở liệu tương tự như cơ sở dữ liệu của FAO để quản lý thông tin thu thập được từ các bản kiểm kê của NIP, cũng như các thông tin thêm được cung cấp qua các cuộc nghiên cứu định kỳ trong tương lai.