Dân Việt

Nhà văn, thiếu tướng Hồ Phương: “Còn xăng, tôi còn chạy tiếp”

18/05/2012 06:09 GMT+7
(Dân Việt) - Cần mẫn cày cuốc trên cánh đồng văn học hơn nửa thế kỷ nay với những tác phẩm vang tiếng một thời như “Cỏ non”, “Thư nhà”... nhà văn Hồ Phương đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào ngày 19.5 tới.

Nhắc đến nhà văn, hầu như ai cũng nhớ tới “Cỏ non”, hay gần đây là “Cha và con”- tiểu thuyết lịch sử về thời trẻ của Bác Hồ nhưng cuối cùng 2 tiểu thuyết “Ngàn dâu” và “Những cánh rừng lá đỏ” mới được đề cử xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này. Ông có thấy tiếc không?

- Cơ cấu tham gia xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là những tác phẩm gần nhất trong 5 năm trở lại đây và mỗi người chỉ được gửi tối đa 6 tác phẩm tham dự.

Tôi có “Yêu tinh”, “Ngàn dâu” , “Những cánh rừng lá đỏ” , “Cha và con” gửi tham dự giải thưởng lần này. “Cha và con” vắng mặt cũng tiếc lắm chứ vì tác phẩm đó là lòng yêu kính của tôi dành cho vị cha già dân tộc mà tôi hằng ngưỡng mộ và biết ơn.

Nhưng không thể phủ nhận 2 tiểu thuyết “Ngàn dâu” và “ Những cánh rừng lá đỏ” là không xứng đáng. Đối với tôi thế là vinh dự rồi!

img
Nhà văn Hồ Phương đang có dự định ra một cuốn sách về những người vợ lính.

Thưa ông, liệu đó có phải là vinh dự lớn nhất?

- Cuộc đời tôi gặp nhiều gian khổ nhưng cũng gặp nhiều may mắn. May mắn khi tôi là một trong hai nhà văn đầu tiên của Quân đội Nhân dân VN được phong quân hàm Thiếu tướng (cùng với nhà văn Dũng Hà) vì sự nghiệp văn học là chủ yếu. Tôi cảm thấy vui sướng và vinh dự lớn, cảm giác lần này cũng y như vậy.

Tất cả ao ước, mong muốn, công sức mình bỏ ra không uổng phí mà mang lại hiệu quả tốt. Điều đó khẳng định mình là một cây bút có cống hiến, chân thực và ít nhiều mang lại cho độc giả cảm xúc, đó là vinh dự lớn.

Ông có thể nói qua về 2 tác phẩm nhận giải thưởng lần này?

- “Ngàn dâu” là một câu chuyện khá lạ so với nhiều câu chuyện về chiến tranh mà tôi đã từng viết. Câu chuyện kể về cuộc chiến nhiều mất mát và hy sinh của dân tộc. Nhân vật chính trong “Ngàn dâu” là một sinh viên y khoa đầy triển vọng, song chiến tranh đã lôi anh khỏi giảng đường và đẩy anh vào cuộc chiến khi chưa kịp ý thức rõ ràng về ta và địch, về súng đạn, về mất mát, hy sinh. Anh đã trải qua những giây phút nghiệt ngã nhất của cuộc sống, khi ở bên này, lúc ở bên kia giới tuyến…

Còn tiểu thuyết “Những cánh rừng lá đỏ”, tôi viết về chiến dịch biên giới. Đó là khả năng chỉ huy, cách đánh hào hùng của dân tộc ta.

Trở lại các tác phẩm từ những năm kháng chiến chống Pháp cho tới sau khi hòa bình thống nhất đất nước, người đọc thấy được một Hồ Phương của chiến tranh, một Hồ Phương đã “lịch sử hóa” trang viết thông qua tác phẩm và nhân vật đã vang tiếng một thời. Ông nghĩ sao về nhận xét đó?

- Trong tay tôi luôn có 2 vũ khí, một bên là súng, còn bên kia là tay bút. Với tôi viết là nhiệm vụ, là đam mê và cũng là “cái nợ” của cuộc đời. Tôi viết bao nhiêu mà như vẫn chưa đủ trả nợ cuộc đời. Món nợ vẫn còn với đồng đội, với đồng bào luôn sát cánh trong lòng.

Chiến tranh còn có rất nhiều mặt trái. Lịch sử mai sau làm sao hiểu nổi cái giá của chiến thắng khi không hiểu những nỗi đau, những hy sinh phía sau mặt trận. Tôi sẽ viết những chuyện hồi đó chưa ai dám viết. Tôi đang viết điều mà tôi rất tâm huyết, vì đó cũng là một bộ mặt của chiến tranh.

“Nhà văn cũng có từng thời kỳ, từng giai đoạn, lên xuống khác nhau, chứ không phải lúc nào cũng tưng bừng, nổi cộm. Thời gian của tôi không còn dài, tôi không đua được với giới trẻ. Tôi đã có con đường riêng của mình, cứ đi tiếp con đường đó, còn đi tiếp được, còn có chỗ để đi”.

Vinh dự nhận được giải thưởng lần này, liệu ông có xem đó là một điểm dừng trong sự nghiệp hay chưa?

- Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được nhận giải, “gái có công thì chồng không phụ” mà (cười). Nhưng tôi nghĩ nghề văn mà ai thỏa mãn là vứt đi. Với tôi viết như là lẽ sống, còn hoạt động, còn nói, còn cười thì còn viết được. Tôi chưa hết xăng, dù xe, dù lốp có mòn, nhưng chưa hết xăng thì còn chạy được, viết được.

Trong thời gian sắp tới, ông có dự định gì?

- Không giấu gì cô, tôi đang viết dở câu chuyện không phải đâu xa mà chính khu vực này, khu tập thể Nam Đồng, ngày xưa gọi là khu gia binh. Tôi viết về những người vợ lính trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Những người vợ có chồng đi B, có người thì trở về, có người không bao giờ trở về nữa.

Khu này khi đấy rất nhiều cô ở vùng nông thôn đến, còn cũng có một số tiểu thư khuê các Hà Nội làm vợ bộ đội về đây sinh sống như những cô gái nông thôn, trong đó có vợ tôi. Tôi tin chắc tác phẩm này sẽ rất hay, vì đó chính là gan ruột tôi, gia đình tôi.

Xin cảm ơn ông!