Kiếm tiền từ tờ mờ sáng
Hình thức học 1 thầy 1 trò được nhiều người ưa chuộng (Ảnh minh họa) |
Một ngày làm việc của Hải bắt đầu từ 5h30 sáng. Chính xác là 5h phút, cựu sinh viên trường TDTT đã phải lồm cồm bò khỏi giường, để kịp có mặt tại bể bơi sau đó 30 phút. Hai học viên bao gồm 1 cô bé lớp 5 và 1 anh công chức đã đợi sẵn.
Đáng ra Hải có thể nhận dạy 3 người lớn cùng lúc, nhưng do có học viên nhỏ tuổi, cần phải luôn để mắt nên giới hạn lại 2 người. Trong khi cả 2 học viên khởi động, thầy tranh thủ bơi vài vòng nhẹ nhàng cho tỉnh táo. Ca dạy đầu tiên trong ngày bao giờ cũng dễ dàng nhất vì thầy còn khỏe, ngược lại những ca cuối ngày thì ngay cả việc thị phạm cho học viên xem cũng trở nên uể oải, thiếu nhiệt huyết.
Hai học viên đầu tiên ì ụp chừng hơn tiếng đồng hồ thì hết ca bơi. Lúc này trời đã sáng bảnh, trò lên bờ thay đồ, thầy tiếp tục ở lại đợi học viên ca thứ 2. Lần này là sự xuất hiện của 2 mẹ con, nhà ở Kim Liên (Q.Đống Đa, Hà Nội). Bà mẹ năm nay đã gần 50 tuổi nên tiếp thu chậm, ban đầu tới học bơi một mình, hết cả khóa mà vẫn chưa đâu vào đâu nên bà đưa luôn cậu con trai út, đang học năm cuối cấp 3 đi cùng.
Một tin rao vặt, nhận dạy bơi dịp hè |
Hải thu học phí giống nhau, không phân chia người lớn, trẻ em hay ca sáng, ca chiều. Mức chung là 100.000đ/buổi; người học còn phải bao vé vào bể cho thầy. Thường buổi sáng Hải dạy liền 3 ca, kéo dài từ 5h30- 8h30; buổi chiều 3 ca, từ 4h-7h. Vị chi cũng có thêm thu nhập 600-700.000đ/ngày, tuy nhiên việc ngâm nước 6-7 tiếng/ngày, kéo dài liên tục suốt những tháng hè là một thử thách thực sự, ngay cả đối với dân bơi chuyên nghiệp.
“Bể trong nhà còn đỡ anh ạ”- Hải nói- “Nếu tầm 4-5h, bể ngoài trời vẫn còn nắng gay gắt, nước thì nóng. Khổ nỗi đám trẻ con lại rất thích học vào giờ này. Em toàn tư vấn cho người lớn học vào ca muộn nhất trong ngày, nếu họ không thức dậy được sớm. Học muộn, bể vắng hơn, dễ tập”.
“Xe ôm” tốc độ
Nga năm nay là sinh viên năm 2, Học viện Tài chính Kế toán. Nghe có vẻ không liên quan gì đến bộ môn bơi lội, thế mà em lại lại cô giáo dạy bơi khá quen mặt tại nhiều bể bơi trên địa bàn TP.Hà Nội. Khi xưa, cô sinh viên này vốn là vận động viên bơi năng khiếu của thành phố. Bì bõm hơn chục năm dưới nước và gặt hái được một số huy chương giải trẻ toàn quốc thì Nga “rửa tay gác kiếm”.
Giờ cứ đến mùa hè, Nga lại đi dạy thêm ở các bể bơi, cũng kiếm đủ tiền học phí cho cả năm: “Nhu cầu học bơi ngày càng nhiều, chỉ sợ không đủ thời gian và sức để dạy thôi. Em chỉ cần lên mạng, vào một số diễn đàn, tự quảng cáo vài câu là rất nhiều người gọi điện, xin học”.
Tập đập chân bơi sải trên cạn |
Thực tế, các lớp học bơi kiểu đại trà (15-20 học viên/lớp) được chính các bể bơi mở ra rất nhiều. Nhưng khi kết thúc một khóa học thường chỉ có ¼ số học viên biết bơi, còn lại “chữ thày trả thầy”. Vì thế nhiều người muốn học kiểu 1 thầy 1 trò, tuy học phí cao, song khả năng biết bơi được đảm bảo. Đặc biệt với những thầy, cô có nhiều huy chương bơi lội như Nga, rất được tín nhiệm.
“Em còn phải gọi cả đứa bạn cùng đội tuyển trẻ ngày trước đi dạy thêm đấy”- Nga nói- “Mọi người gọi nhiều quá, đến nỗi em phải viết trên mạng là “tạm thời kín lịch, dừng nhận dạy” mà vẫn có người gọi điện tới, năn nỉ em nhận thêm. Có phải em không muốn đâu, nhưng không thể sắp xếp được. Có hôm, vừa dạy xong ở bể Mỹ Đình thì đến ca dạy trên bể Tây Hồ, xong rồi lại ngược về bể Thành Công… Chỉ riêng công đoạn thay đồ bơi và di chuyển đã hết ngày. Giờ em phóng xe máy nhanh, luồn lách chẳng khác gì mấy anh xe ôm”.
Cô sinh viên bảo, cũng may dịp hè việc học hành bớt căng thẳng, mới có thời gian đi dạy bơi, nếu không chắc chắn ảnh hưởng đến kết quả học tập.