Dân Việt

Người trọn tình với thiên nhiên

19/05/2012 16:14 GMT+7
(Dân Việt) - Có ai ngờ rằng ở một vùng quê lam lũ, quanh năm gắn mình với hạt lúa, củ khoai như làng Dưỡng Thông, xã Thượng Hiền (Kiến Xương, Thái Bình) bỗng dưng “mọc lên” một trang trại bề thế với ngút ngàn cây quý...

... Đó là “giang sơn” của anh thương binh Phạm Ngọc Dũng.

Đã có lúc nghề mây ở đây tưởng chừng rơi vào bế tắc, song với bàn tay, trái tim và khối óc, anh thương binh Phạm Ngọc Dũng đã xây dựng “Công ty cổ phần Sản xuất và phát triển mây song Dũng Tấn”, không những giải quyết lao động tại địa phương, mà còn góp phần cung cấp giống cây trồng khắp trong và ngoài nước.

img
Anh Phạm Ngọc Dũng (trái) đang hướng dẫn kỹ thuật trồng mây nếp.

Nối nghiệp nhà

Anh Phạm Ngọc Dũng sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề ươm cây giống. Dũng còn nhớ, từ năm 1960, bố mẹ anh đã ươm những vườn cây con để bán ở các chợ địa phương. Ngay từ nhỏ, anh đã vừa chăm sóc mây giống, đan mây, vừa đi học. Đang học cấp 3, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Dũng xung phong đi bộ đội, trong đoàn quân giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng.

Năm 1982 rời quân ngũ, Dũng là thương binh hạng 3/4 với 2 Huân chương Chiến công, 1 Huy chương Hữu nghị AngCo. Về quê, thấy bà con đan mặt mây rất vất vả, cặm cụi cả ngày chỉ được vài chục ngàn đồng, anh vừa thấy thương, vừa thấy tiếc cho sức lao động nhọc nhằn của người dân quê mình.

Từ nỗi trăn trở ấy, Dũng tự “giam mình” trong phòng cặm cụi vẽ, đục, hì hục gọt đẽo và đã chế ra cái máy dệt mây nống trám nhiều màu, năng suất bằng 300 người làm! Sáng chế này của anh được Hiệp hội Làng nghề VN ghi nhận để rồi 20 năm sau, anh được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cấp bằng chứng nhận “Nghệ nhân làng nghề”.

Sau khi hoàn thành chiếc máy thủ công thô sơ, cũ kỹ đó, thì vẫn có một điều khiến anh day dứt, trăn trở mãi. Ấy là lấy sợi đâu mà đan bây giờ. Từ đó, anh cố gắng tìm mọi cách ươm mây giống theo quy trình công nghiệp. Rồi một ngày kia, trong khi đọc sách, nghiên cứu đất đai, đầu anh đã lóe sáng một ý tưởng táo bạo. Anh nhẩm tính, sẽ ươm giống mây nếp K83 theo quy mô công nghiệp, trồng loại mây quý này theo phương pháp thâm canh hoàn toàn mới! Thế là anh bắt tay vào làm.

Anh Dũng cho biết: Lúc đầu, cái khó nhất của công ty chính là việc “loay hoay” tìm nguồn giống mây nếp vì nó rất hiếm, trong khi việc quản lý thu hái lại thụ động cho nên hạt giống rất đắt. Cây mây khó trồng, mây nếp ít ra hoa, hoa ít kết trái, rất khó nhân giống. Thế giới và Việt Nam, chưa đâu nghiên cứu, ứng dụng được cách sinh sản mây vô tính; trong khi đó, gần 60 đơn vị trong tỉnh đang cần hàng triệu cây giống mây nếp K83.

Ngồi tâm sự với chúng tôi, chị Phạm Thị Tình, 53 tuổi, vợ anh Dũng cho biết: “Vất vả lắm chú ơi, hồi đầu anh Dũng nhà tôi bắt tay làm cái trang trại này, nhiều người xì xào to nhỏ. Họ bảo không biết có làm nổi không hay lại chỉ bày vẽ cho oai. Tôi cũng khuyên anh nhiều, nhưng anh bảo: Mình hãy tin ở tôi, tôi nói là tôi làm được, để bà con lao động khổ sở thế mà thu nhập chả đáng là bao, tôi cũng áy náy”. Số vốn ban đầu của vợ chồng anh chỉ là 200 triệu đồng. Chỉ tay về phía xa xa, chị bảo trước đây nơi này trũng vệt, phải đổ không biết bao nhiêu khối cát cho đầy. Thế mà chẳng mấy chốc đã thành cơ ngơi.

Mây lan khắp chốn

Trao đổi với chúng tôi về mô hình trang trại cây giống của anh Dũng, ông Phạm Xuân Tuân- Bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Ngày trước, xã chúng tôi còn nghèo lắm, kinh tế chưa có được như bây giờ. Anh Dũng đi bộ đội về, lúc đó cũng rất nghèo. Nhưng bằng nghị lực, bằng quyết tâm sắt đá, anh đã cho thấy “chất lính” của bộ đội Cụ Hồ. Những sáng kiến của anh Dũng trong thời gian qua đã góp phần thay đổi một phần diện mạo quê hương”.

Năm 2005, Thượng Hiền đã có 19 vườn ươm mây nếp với tổng diện tích 2,2ha. Hầu hết số cây giống này đều được Công ty Dũng Tấn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, tạo được giống chất lượng cao nên đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Cây giống mới, phương pháp trồng mới được Công ty Dũng Tấn ứng dụng khá thành công.

Chẳng vậy mà tính đến năm 2006, Công ty Dũng Tấn có quan hệ thị phần với 29 tỉnh trong toàn quốc. Trong những năm 2005 đến 2008, một sào vườn lãi 3 triệu đồng, nếu đúng quy trình có lãi 6 triệu đồng. Khi giá mây lên cao, có nhà lãi tới 100 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, Công ty Dũng Tấn đã tham gia rất thiết thực cho Dự án 135, làm xanh lại nhiều vườn hoang, đồi trọc. Anh đã bỏ ra gần 500 triệu đồng mời hàng vạn lượt khách ở các tỉnh xa về tập huấn kỹ thuật. Công ty đã đầu tư công nghệ ươm trồng với những phương pháp mới, những tiến bộ mới, một năm hỗ trợ 4 lần kỹ thuật chăm sóc cây, thu hoạch sợi... Trước kia, mây gieo 4 tháng mới nảy mầm thì nay chỉ cần 25 ngày mà không cần kích thích bằng hoá chất.

Có một dạo đi thực địa ở Khánh Hoà, đến vùng đất Hiệp Sơn, thấy khí hậu ở đây na ná xuân ngoài Bắc, vậy là, từ năm 2009, anh Dũng đã chở 400 gốc đào Bắc về đây trồng và một “vùng đào Nhật Tân 2” đã nở rực rỡ giữa lòng trang trại.

Anh Dũng thổ lộ rằng anh có ước muốn phát triển thật nhiều vùng nguyên liệu, khai thác mây bền vững, truyền nghề cho dân ở nhiều nơi. Để hiện thực hóa ước mơ ấy, mỗi năm, trang trại giống của anh đã tiếp nhận 20 sinh viên, nghiên cứu sinh các trường đại học về thực tập, để áp dụng mô hình trồng cây mây nếp trên diện rộng.

Đã có lần, nghe người ta bảo trồng sưa, mua không cần giá, mà bán bằng cân cho lãi tới cả triệu đồng, thế là anh mày mò, kỳ cục chạy vạy dò hỏi chỗ này, dò hỏi chỗ kia rồi mang về trồng thử. Mới đầu anh rất lo vì không biết sưa có thích hợp với chất đất, khí hậu nơi đây không. Vậy nhưng, theo năm tháng, hàng trăm cây sưa mọc lên tới đâu, khách đến mua tới đó.

Thương binh Phạm Ngọc Dũng đã gửi trọn đời mình cho cây, anh rất đáng được con người và thiên nhiên ban tặng những phần thưởng cao quý. Anh bảo: “Đã có những cô giáo, thầy giáo vui với sự nghiệp “trồng người” thì Dũng tôi xin góp một phần trồng cây cho đời xanh mãi”.