Từ cậu bé tật nguyền...
Khi chúng tôi đến Công ty TNHH Gỗ mỹ nghệ người tàn tật Thế Điệp (thôn Đông Hòa, Xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), thì Lại Văn Điệp - ông chủ của công ty, đang ngồi trong xưởng hướng dẫn công nhân những nét chạm, trổ... Trông anh trong bộ đồ lấm lem chẳng khác gì các công nhân đang miệt mài làm việc. Trái ngược với vẻ bề ngoài ấy, anh ăn nói rất tự tin, hoạt ngôn về công việc, về cuộc sống cá nhân.
Ông chủ Điệp vẫn thường xuyên tham gia trực tiếp sản xuất tại công ty. |
Giọng anh chùng xuống khi kể lại cuộc đời mình: “Tôi sinh năm 1978, mới 10 tháng tuổi, tôi bị liệt toàn thân, rồi từ đó nằm bất động một chỗ”. Mẹ anh- bà Nguyễn Thị Bé nghe đâu có thầy lang giỏi là đưa con đi chữa. Nhưng phụ công bà, đứa con bé bỏng vẫn gắn chặt cái thân hình bé bỏng xuống giường.
Khi tất cả tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng, thì may mắn thay, một người bạn của gia đình biết chuyện đã cho cao trăn để Điệp ăn. Kết hợp với việc tập luyện kiên trì chiến đấu với số phận, năm lên 3 tuổi, Điệp đã cử động được chân tay, rồi có thể ngồi một mình.
Năm Điệp 8 tuổi, anh mới bắt đầu những bước đi đầu tiên trên một chiếc nạng gỗ. Đến năm học lớp 9, khi đã 19 tuổi, Điệp nghỉ học để chuyển sang học nghề chế tác đồ gỗ mỹ nghệ. Đây là bước ngoặt của cuộc đời anh.
... thành ông chủ giỏi
Nhớ lại thời gian bước chập chững vào nghề đồ gỗ mỹ nghệ, Điệp kể lại: “Người bình thường học đã khó, huống hồ một người khuyết tật, sức khỏe yếu như mình. Nhưng rồi, cứ quyết tâm, cứ mỗi ngày học một chút, cuối cùng mình cũng học được nghề”.
Sau một thời gian đi làm thuê, anh quyết định lập cơ sở sản xuất riêng cho mình. Đó là năm 2002, khi trong túi anh vẻn vẹn chỉ có 5 triệu đồng. Mở xưởng, anh nhận làm từ sản phẩm nhỏ nhất, và cố gắng làm tốt nhất. Khách nọ mách khách kia, cơ sở của anh từng bước mở rộng và phải thuê thêm người làm. Từ đó, anh vừa làm thầy, vừa làm thợ…
Hiện nay, công ty của anh có doanh thu 5 tỷ đồng/ năm. Nếu tính về dạy nghề thì con người nhỏ bé này đã dạy thành nghề cho khoảng 30 người, 2/3 trong số đó ở lại làm việc với anh. Điều anh đau đáu hiện nay là làm sao thuê được mặt bằng sản xuất thuận tiện cho khách hàng đến xem, mua sản phẩm, đồng thời có được vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất.
“Nếu mở rộng được sản xuất, tôi sẽ xin phép mở một trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật, để họ có được “cần câu cơm”, nuôi sống được mình và gia đình”- Điệp nói.
Hà Ngọc