Một ông lên tiếng:
- Cứ như báo chí họ đăng ý kiến nhiều chuyên gia uy tín thì nguyên nhân các vụ kiện tụng kéo dài xuất phát từ đất đai là ở chỗ vênh nhau giữa giá đất trước và sau thu hồi. Nông dân bị thu hồi đất coi như công nhân viên chức bị cắt lương, mất nguồn sống. Đất nông dân được đền bù với giá chỉ bằng một bát phở/m2, mà là phở thường, không phải “tô đặc biệt”. Về tay nhà đầu tư giá thành một xe máy/m2. Vênh nhau như thế, ai mà vui vẻ ra đi?
- Đi đâu? Nếu có đất mới họa chăng có ở miền núi, tái định cư nhường đất cho thủy điện, nhận đất mới để lại “khai sơn phá thạch”, lặp lại con đường cha ông từ ngày xưa. Còn ở đồng bằng, nhất là ven đô, ven khu công nghiệp, hết đất ở nhà… trồng sung, người dưới gốc chờ sung rụng hay sao?
- Có lẽ vì thế các bác lãnh đạo đã quyết định phải khẩn trương sửa luật đất đai.
- Cần lắm! Cứ như hiện hành thì đất đai ngàn đời cha ông của nông dân để lại thuộc về “quốc gia công thổ” cả. Nông dân chỉ được tạm giao 2- 3 chục năm để canh tác. Lúc nào cấp trên “đòi” phải trả ngay, nhận ba trăm sáu mươi bát phở/sào. Ăn hết phở là ra bờ đê thả diều nghe sáo vi vu…
- Rồi lấy gì sống tiếp sau sáo diều?
- Không ai trả lời đầy đủ được câu hỏi đó. Công nghiệp nước nhà cũng chưa phát triển đến độ nông dân thành thợ thuyền, ăn lương như công nhân viên chức. Vì thế tinh thần mới là đất đai lại trở về thuộc sở hữu toàn dân, nhưng đại diện quản lý vĩ mô là nhà nước.
- Khi có nhu cầu sử dụng đất theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng như làm công nghiệp, giao thông, du lịch, khu đô thị thì “người quản lý phải lo cho đời sống nông dân, ít ra là bằng lúc làm ruộng”.
Cụ lão nông cắt ngang:
- Các ông cứ bàn như đi họp. CLB Gốc đa của ta là nơi dân bày tỏ tâm tư. Nói cho nó nhanh là nếu không lo được cho nông dân tiếp tục sống, thậm chí khá hơn sau khi bị thu hồi đất thì… khoan hãy thu hồi.
- Cụ nói thế thì còn gì là phát triển KT- XH.
- Phát triển KT- XH vì mục đích gì, nếu không phải là nâng cao đời sống nhân dân. Ở đây nhân dân cụ thể là nhà nông chúng ta. Lão có cảm nhận là người ta mới lo cho các nhà đầu tư… “từ đâu” đến là chính. Như ở Hưng Yên, đất trồng hoa năm kiếm 2-3 chục triệu/ ha… Nay dù có được đền bù 2-3 chục triệu nhưng ăn hết là treo niêu. Nhưng ta nói đến đây là đủ. Nói nhiều như các bác nhà báo về đưa tin còn bị đánh sưng mặt mà đã biết là ai đánh đâu…
Lý Lão Làng