Dân Việt

Đại biểu Quốc hội đòi giám sát đầu tư giao thông

12/06/2012 09:54 GMT+7
(Dân Việt) - Trong khi hầu hết các ĐBQH đều ủng hộ việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ giai đoạn 2012- 2015 cho 5 dự án thì một số ĐB bày tỏ ít nhiều sự lo ngại.

Tại buổi thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), bổ sung một số dự án trái phiếu Chính phủ ngày 11.6, hầu hết các ĐBQH đều ủng hộ việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ giai đoạn 2012- 2015 cho 5 dự án gồm: Cầu Năm Căn (Cà Mau); cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang); Dự án Nhà ở sinh viên ĐH Trà Vinh; Dự án Bệnh viện Ung thư TP.Đà Nẵng và cụm 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển Ninh Thuận. Tuy nhiên, một số ĐB cũng bày tỏ ít nhiều sự lo ngại.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 2, QH đã thông qua một nghị quyết không cho bổ sung xây dựng mới công trình trong giai đoạn 2011-2015 nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Tuy nhiên, mới thông qua được 6 tháng thì nay QH đã lại bàn chuyện bổ sung 5 dự án theo đề nghị của Chính phủ. "6 tháng đã thay đổi thì sau này liệu sẽ lại thay đổi tiếp?" - ông Tấn đặt câu hỏi.

"Chúng ta chưa xem xét có bao nhiêu dự án cần đầu tư, theo tiêu chí gì, và vì sao 5 dự án này lại được ưu tiên - ông nói và đề nghị tăng cường tính minh bạch bởi tờ trình của Chính phủ là "không đủ thông tin, không đủ căn cứ để thấy rằng đây là 5 dự án cấp thiết nhất, nhất là trong khi nguồn vốn có hạn".

Đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cũng thẳng thắn: Nói dự án bức xúc, vậy tại sao dự án của địa phương tôi bức xúc lại không được bổ sung. Sự căng thẳng đã được đẩy lên hết mức khi ông Trường phát biểu: "Không thấy minh bạch, công bằng. 225.000 tỷ đồng được bổ sung, nếu tính bình quân, mỗi trong 63 tỉnh được gần 3.000 tỷ đồng, trong khi An Giang lại chỉ có 800 tỷ đồng. Hay là vì chúng tôi không biết đi xin?".

Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng thẳng thắn đề xuất đưa 5 dự án này ra khỏi danh mục nguồn vốn trái phiếu để đảm bảo sự nghiêm túc nghị quyết của QH. "Nguồn 225.000 tỷ đồng cũng chỉ đáp ứng 35% nhu cầu các địa phương đề xuất, thế mà bây giờ lại bớt đi, liệu sau này có tiếp tục bớt?"- ông đặt câu hỏi.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thì nêu ra 2 thực trạng đầu tư giao thông: Đầu tư quá nhiều tiền, đắt nhất thế giới, trong khi chất lượng kém, giao thông nông thôn làm chưa xong đầu đã hỏng". Ông khẳng định, đầu tư cho giao thông là cần thiết nhưng làm sao để không thất thoát, để có giá rẻ, để có chất lượng".

Ông Lịch yêu cầu QH có giám sát chuyên đề về đầu tư cho giao thông để trả lời chính về 2 vấn đề: Vì sao làm giao thông lại đắt đến như vậy. Vì sao chất lượng lại kém đến như vậy. Có như thế mới yên tâm để đầu tư cho giao thông.