Sau nghệ thuật là từ thiện
NSƯT Kim Cương và ca sĩ Hồ Ngọc Hà trao quà cho trẻ em khiếm thị. |
Không phải vì hết yêu nghệ thuật mà bà từ giã cái nghề được coi là lắm vinh quang nhưng cũng nhiều bạc bẽo này. Hơn 50 năm gắn bó với sân khấu, với vai diễn, làm sao nói buông là có thể buông một cách dễ dàng được. Với bà, sân khấu đã ngấm sâu vào máu thịt. Quyết định “buông” niềm đam mê của mình là quá khó khăn. Bà đã làm quen với nghề diễn từ khi còn nằm trong nôi. Tính ra tuổi đời của bà dài bao nhiêu thì cũng chừng ấy năm bà gắn bó với sân khấu.
Theo quan niệm của nghệ sĩ Kim Cương thì sân khấu và từ thiện là một, dù diễn trên sân khấu hay làm việc giúp đời cũng chỉ với mục đích làm đẹp cho cuộc đời. Vì vậy mà bà tham gia vào công việc từ thiện từ khi còn đứng trên sân khấu nhưng thực sự đầu tư cho công việc này thì mới hơn 6 năm trở lại đây.
Trong những buổi từ thiện ở các tỉnh miền Tây, tận mắt thấy cuộc sống khổ cực của người dân, đặc biệt là những em bé, trái tim của người phụ nữ đa cảm lại rung lên trước những mảnh đời bất hạnh. Bà đã kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ những số phận khó khăn để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau khi chia tay với nghệ thuật, bà dành hầu như tất cả thời gian cho công việc từ thiện.
Với bà, từ thiện không chỉ giúp người, giúp đời mà còn giúp chính mình. Công việc tuy vất vả nhưng đã đem lại cho bà niềm vui trong cuộc sống. Bà hiện là phó chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM, đồng thời giữ vai trò Thường vụ Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo.
Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM tại ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2009. Hơn 100 thành viên là các em bị khuyết tật vận động, khiếm thính, mồ côi… đã cùng nhau sinh hoạt dưới mái nhà chung này.
Ở đây các em được đào tạo miễn phí các nghề như thêu (thêu máy và thêu tay), dệt thổ cẩm, làm búp bê vải, may dân dụng, may công nghiệp và vi tính… Bà thường gọi bọn trẻ ở đây là các con và các em cũng gọi bà là mẹ. Nghệ sĩ Kim Cương tâm sự: "Tôi mong muốn giúp cho các em có tay nghề vững vàng để có thể mưu sinh trong cuộc sống ngày càng khó khăn này. Nhưng, quan trọng hơn, tôi còn muốn giúp các em có niềm tin và nghị lực để bước vào đời".
Nhưng câu chuyện không quên
2/3 chặng đường của cuộc đời, NSƯT Kim Cương đã dành cho nghệ thuật. Thời gian còn lại, bà chỉ làm một công việc duy nhất là từ thiện. Khi nhắc đến công việc đang làm, bà bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên. Bà không ngờ những vai diễn khổ đau của bà trên sân khấu đã làm cho những người bất hạnh nhớ tới bà như người cùng cảnh ngộ.
Kỳ nữ Kim Cường phấn khởi bên những túi quà quyên góp được cho người nghèo. |
Đáng nhớ nhất là câu chuyện về một cô gái miền Tây vác cái bụng bầu lùm lùm tìm đến bà với lý do rất đơn giản: “Em thấy chị trên sân khấu… khổ thế, chắc chị chia sẻ với em được”.
Khi bà hỏi cô gái sao không về nhà sanh nở cho có người chăm sóc thì cô òa lên nức nở: “Em không dám về nhà sanh, em mà về thì ba mẹ giết em mất”. Nghe thế, bà cũng không hỏi gì thêm sợ cô gái lại khóc to hơn. Thương cô gái bụng mang dạ chửa, một thân một mình ở chốn xa lạ, bà đưa cô tới cô nhi viện.
Chờ ngày cô sanh xong, nghỉ ngơi hồi sức, bà mới trò chuyện với cô. Cô gái hồn nhiên chia sẻ: “Em lỡ dại nên sợ không dám ở quê nữa mà lên đây kiếm sống. Tới lúc sanh em cũng không dám quay về. Em chẳng có ai thân thiết ở thành phố này cả. Em xem chị diễn nhiều lắm nên tìm tới chị và chỉ có chị mới san sẻ được với em”. Câu chuyện về cô gái miền Tây làm bà cười mà rơi nước mắt.
Một câu chuyện khác cũng làm NSƯT Kim Cương nhớ mãi. Đó là câu chuyện về một cậu bé tàn tật nhưng khá bướng bỉnh, không chịu học bất cứ một nghề gì để mưu sinh.
Càng động viên, an ủi, cậu càng tỏ vẻ không nghe lời. Nghệ sĩ Kim Cương nhớ lại: "Bỗng một ngày, cậu bé tìm gặp tôi và nói: “Mẹ ơi! Mẹ tìm cho con một công việc để con làm”. Nghe cậu nói vậy, tôi mừng lắm. Tôi biết cậu bé đã chán với việc ngồi không một chỗ nhưng tôi vẫn nói: "Con đi nhổ cỏ nhé! Con không học thì con chỉ có thể đi nhổ cỏ mà thôi".
Cậu bé nhìn tôi dò xét rồi lặng lẽ nhìn vào đôi bàn tay cụt của mình. Trước hình ảnh đó, tôi đã cố không yếu đuối, tôi dặn lòng phải lạnh lùng. Thái độ của tôi đã khiến cho cậu bé chịu học và học rất chăm. Mặc dù không còn đôi tay nhưng cậu đã dùng đôi chân của mình để học chữ và vi tính. Tôi đã rơi nước mắt khi chứng kiến cậu bé dùng chân để gõ lên bàn phím. Nghị lực của cậu được vực dậy và nó đang từng ngày, từng giờ lớn mạnh, giúp cậu đương đầu với cuộc sống khó khăn".
Hỏi về kế hoạch sắp tới của hội, bà chia sẻ: "Vào dịp 30/4, tôi và Công ty Pucheng vào buôn dân tộc nghèo ở tỉnh Lâm Đồng để trao quà cho những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt hơn nữa là một dự án dài hơi xây dựng xưởng trường ở huyện Hóc Môn (là nơi các em sau khi thạo tay nghề có thể đến làm việc nhận lương).
Dự án này ước tính khoảng 40 tỷ và sẽ bắt tay vào thực hiện trong tháng tới. Chúng tôi đã có mặt bằng và quyên góp được một số tiền nhất định, bước đầu có thể khởi công xây dựng. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn, trước mắt là huy động thêm vốn (số vốn hiện tại chỉ có hơn 8 tỷ), sau đó là tìm đầu ra cho các sản phẩm”.
Trước khi chia tay tôi, bà chia sẻ “Tôi bây giờ tuổi đã cao, công việc hiện tại cũng rất bận không kém gì lúc đang làm nghệ thuật. Nếu có điều kiện thuận lợi, tôi sẽ tham gia vào những chuyến đi từ thiện do báo Dòng Đời tổ chức để được giúp đỡ những số phận kém may mắn trong cuộc sống”.