Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi Việt Nam chủ trì buổi làm việc cho biết: Mặc dù là ngày nghỉ nhưng trước tình hình khô hạn của hai địa phương này buộc Tổng cục phải mời các đơn vị ban ngành địa phương liên quan đến dự buổi làm việc nhằm đưa ra phương án khắc phục tình trạng khó khăn vì thiếu nước hiện nay.
Ông Đào Minh Tiến kiến nghị thành phố Đà Nẵng phải có lịch điều tiết nước trong mùa khô. |
Hiện gần 3.000ha lúa của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang vào mùa trổ đòng nhưng không có nước nên nguy cơ bị mất trắng đang hiện hữu. Điều đáng quan ngại hơn là nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc sản xuất nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó giám đốc Sở NNPTNT thành phố Đà Nẵng cho hay.
Để duy trì sự sống cho cây lúa, chính quyền cùng người dân thành phố Đà Nẵng phải ra sức nạo vét sông hồ ao, bơm nước vào đồng ruộng, ông Thắng nói.
Trong khi đó để có nước cho người dân sinh hoạt thì nhà máy nước Cầu Đỏ phải bơm nước cách 8km từ sông Yên tại đập An Trạch để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Công đoạn này đã ngốn thêm gần 5 tỷ đồng của công ty cấp nước Đà Nẵng trong năm 2012. Trong khi doanh nghiệp làm thủy điện đã lấy nước của nhà máy đáng phải có để sản xuất điện thu tiền, ông Thắng bức xúc.
Tuy nhiên đến thời điểm này có tiền cũng không dễ có nước phục vụ người dân bởi mực nước tại đập An Trạch ngày càng xuống thấp, mặc dù thành phố Đà Nẵng đã đóng kín toàn bộ các cửa của hệ thống đập (gồm các đập An Trạch, Hà Thanh, Bàu Nít và Thanh Quýt) nhưng mực nước trước đập dâng An Trạch chỉ đạt 1,5 m.
Điều đáng nói là trạm bơm An Trạch thiết kế ra chỉ để phòng mặn nhưng bây giờ phải trưng dụng làm nguồn chính, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng. Để lâu hơn nữa thì Đà Nẵng sẽ xảy ra “thảm họa” thiếu nước sinh hoạt, Ông Nguyễn Trường Ảnh - giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng lo lắng.
Nguyên nhân được ông Thắng đưa ra một phần do lượng mưa trong mùa mưa năm 2012 trên lưu vực sông Vu Gia chỉ đạt 40% lượng mưa trung bình nhiều năm. Và đặc biệt là thủy điện Đắk Mi 4 (Quảng Nam) tích nước ở thượng nguồn không xả nước về lại cho hạ lưu sông Vu Gia làm dòng sông thiếu nước trầm trọng.
Ông Thắng dẫn chứng: Chưa bao giờ trong 40 năm qua vào tháng 3 mực nước tại trạm bơm Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam) - một trong những nhánh sông Vu Gia cung cấp 80% lượng nước về Đà Nẵng chỉ có 2,21 m (đo ngày 22.3).
Ông Huỳnh Vạn Thắng sẽ kiến nghị Chính phủ yêu cầu thủy điện trả toàn bộ lưu lượng nước tự nhiên về hạ du sông Vu Gia. |
Tuy nhiên đến nay nhà máy thủy điện này vẫn không chịu xả nước theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vào năm 2010 mặc dù mực nước trong hồ thủy điện Đắk Mi 4 là 250,7 m, cao hơn mực nước chết 10,7 m và lưu lượng nước vào hồ đang nằm ở khoảng 25 đến 40m3/s, ông Thắng khẳng định.
Thủy điện Đắc Mi 4 đã đưa ra lý do, Quảng Nam cũng đang thiếu nước vì hạn hán, ít mưa nên nhà máy thủy điện này dành nguồn nước về sông Thu Bồn, giúp vùng Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) chống xâm nhập mặn, phục vụ chống hạn cho mùa hè thu tới. Và nhà máy hiện chưa có văn bản chỉ đạo việc thủy điện Đắk Mi 4 phải xả về Vu Gia với lưu lượng nước bao nhiêu trong mùa khô nên không biết phải xả như thế nào.
Bức xúc với ý kiến trên, ông Thắng nói: Luật Tài nguyên nước quy định rõ trong trường hợp cần thiết phải ưu tiên hàng đầu cho nguồn nước phục vụ sinh hoạt thay vì sản xuất tưới tiêu. Nếu thủy điện Đắk Mi 4 tiếp tục không trả nước theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vào năm 2010 thì Đà Nẵng sẽ kiến nghị Chính phủ bắt buộc thủy điện này phải trả tất cả lưu lượng nước tự nhiên mà dòng Vu Gia đáng được hưởng trong mùa khô. Đà Nẵng đủ khả năng kiểm tra được lượng nước tự nhiên về thủy điện Đắk Mi 4 là bao nhiêu và thủy điện này xả về hạ du bao nhiêu.
Sau khi nghe phản ánh trực tiếp của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, có mặt tại buổi làm việc ông Vũ Xuân Khu - Giám đốc Trung tâm điều độ điện Quốc gia nói: Trong quý 4 năm 2012, tất cả các hồ thủy điện ở miền Trung đều không có nước về. Các nhà máy thủy điện đã phải vận hành một cách hạn chế nhất từ trước tới nay, cứ 6 ngày chạy rồi 6 ngày nghỉ. Tuy nhiên trước tình hình trên sẽ yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 và thủy điện A Vương xả nước về hạ du sông Vu Gia.
Còn Ông Đào Minh Tiến - Phó tổng giám đốc tổng công ty IDICO, chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4 kiến nghị thành phố Đà Nẵng đưa ra lịch điều tiết nước trong mùa khô để thủy điện Đắk Mi 4 được biết và có cơ sở xả nước trong thời gian tới.
Đình Thiên