Kết thúc chuỗi tham vấn bằng hội thảo cấp T.Ư tổ chức tại Hà Nội (hôm 22.3), Viện Nghiên cứu Lập pháp và Tổ chức Oxfam đã xây dựng Dự thảo Báo cáo tổng kết, đưa ra khuyến nghị bổ sung, sửa đổi một số điều của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Các nội dung khuyến nghị “bổ sung 12 điều mới” vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được giới thiệu tại báo NTNN số 72/2013. Trong số này, NTNN giới thiệu tiếp nội dung của dự thảo báo cáo nói trên (đề nghị bổ sung 4 điều và khuyến nghị sửa đổi 8 điều của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi).
Nông dân bản Khe Cát (xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết, họ sống gần rừng nhưng thiếu đất sản xuất. |
Bổ sung quy định về thu hồi đất, bồi thường...
Dự thảo báo cáo này đề nghị bổ sung vào 4 điều trong Chương VI về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi). Về các cơ chế giải quyết đất đai đối với các dự án đầu tư, báo cáo này đề nghị sửa đổi theo nội dung sau:
Cơ chế nhà nước thu hồi đất chỉ được áp dụng theo quy định của Điều 63 (thu hồi đất do vi phạm pháp Luật Đất đai) và Điều 64 (thu hồi đất hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện) của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đối với các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì áp dụng cơ chế nhà nước trưng dụng hoặc trưng mua quyền sử dụng đất. Cơ chế Nhà nước trưng dụng quyền sử dụng đất được áp dụng cho các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng không gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư. Cơ chế nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất được áp dụng cho các dự án vì lợi ích công cộng gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư.
Riêng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với lợi ích của nhà đầu tư thì cần thực hiện việc giải quyết đất đai dựa trên sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và cộng đồng những người đang sử dụng đất, chứ không xếp vào các trường hợp “thu hồi đất” như trong dự thảo luật.
Dự thảo báo cáo cũng nhấn mạnh 2 nội dung vốn nhận được rất nhiều kiến nghị của người dân trong hoạt động tham vấn:
Thứ nhất, cần công khai, minh bạch về nhà đầu tư trong trưng dụng, trưng mua quyền sử dụng đất. Trước khi ban hành quyết định trưng dụng, trưng mua quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền quyết định phải thực hiện công khai về chủ đầu tư dự án tại cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.
Thứ hai, cần tham vấn cộng đồng trong cơ chế thỏa thuận trên cơ sở đồng thuận giữa nhà đầu tư và cộng đồng những người đang sử dụng đất. Nhà đầu tư thực hiện tham vấn cộng đồng đối với cộng đồng những người đang sử dụng đất trên phạm vi đất đai của dự án đầu tư về phương thức chuyển dịch đất đai theo phương thức hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc thuê đất, hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Khi đạt được sự đồng ý của ít nhất 80% thành viên của cộng đồng đối với một phương án chuyển dịch đất đai thì những người không đồng ý phải thực hiện phương án chuyển dịch đất đai đó. Nhà đầu tư có trách nhiệm thuê tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất để thực hiện định giá đất và lập phương án chuyển dịch đất đai có sự chứng kiến của đại diện UBND địa phương, đồng thời phải tham vấn cộng đồng để lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất theo trình tự, và thực hiện tham vấn cộng đồng về phương án chuyển dịch đất đai theo trình tự, thủ tục quy định.
Khuyến nghị sửa 8 điều
Dự thảo báo cáo nêu lên 8 khuyến nghị sửa đổi các Điều 34, 44, 47, 46, 81, 82, 95, 107 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tập trung vào những nội dung sau:
- Bổ sung các nguyên tắc – đúng mục đích, khả thi, tập trung, tránh dàn trải, đồng bộ, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, hợp lý trong trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 34).
- Bổ sung quy định lấy ý kiến đồng thuận của người dân nằm trong khu vực quy hoạch sử dụng đất trong quyết định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 44).
- Bổ sung quy định người dân có quyền giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ quan nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện và xác lập cơ chế để người dân giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ quan nhà nước (Điều 47).
- Bổ sung quy định “Công bố công khai, đầy đủ về nội dung, thời gian và lộ trình thực hiện” của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bổ sung quy định về chế tài thực hiện quy định này (Điều 46).
- Đề nghị sửa Điều 82 về “Lập và thực hiện dự án tái định cư”: Bổ sung việc tham khảo ý kiến của người bị trưng mua, trưng dụng đất và quy định cơ sở hạ tầng khu tái định cư phải “phù hợp với phong tục, tập quán của người dân ở từng địa phương”, việc trưng mua, trưng dụng chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khu tái định cư.
- Bổ sung quy định hỗ trợ gạo trong thời hạn 24 tháng với mức 30kg/người đối với người bị trưng dụng, trưng mua đất sản xuất. Bổ sung quy định thành lập quỹ trợ cấp thất nghiệp, quỹ bảo hiểm xã hội để đảm bảo ổn định cuộc sống đối với với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là người già yếu, cô đơn, hết tuổi lao động (Điều 81).
- Đề nghị bỏ điểm C, khoản 2 của Điều 95.
- Đề nghị bổ sung các nguyên tắc về định giá đất (Điều 107): Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin về giá đất.
- Việc xác định giá đất phải có sự tham khảo ý kiến đóng góp của người dân;
- Đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và được giám sát;
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin về giá đất;
- Cơ quan định giá đất và phê duyệt giá đất cần độc lập với cơ quan ra quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.
Báo cáo tổng kết tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được các đơn vị chủ trì hoàn thiện trước khi gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quốc hội trước khi kỳ họp thứ 5 khai mạc (vào cuối tháng 5 tới đây).
Lam Giang