Đây được kỳ vọng là biện pháp xử lý cứng rắn, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu.
Phạt nặng
Dù vụ việc được phát hiện và bắt giữ từ ngày 15.12.2012, nhưng đến nay các cơ quan chức năng mới tiến hành xong các thủ tục để ra quyết định tịch thu phương tiện vận chuyển. Trước đó, cơ quan chức năng phát hiện trên chiếc xe tải mang biển kiểm soát 29X-1702 có chở gần 5.000 con gà và ngỗng giống có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định.
Chiếc xe vận chuyển gà lậu vừa bị tịch thu. |
Chưa hết, chiếc này này do Tô Thế Tuấn (thường trú tại phường Ngô Quyền, TP.Bắc Giang) điều khiển mang biển kiểm soát giả, biển số thật là 98C- 020.77. Chủ sở hữu phương tiện 98C- 020.77 và toàn bộ số hàng lậu là bà Hà Thị Thanh Thuỷ, trú tại thôn Sau, xã Dĩnh Kế, TP. Bắc Giang. Sau quá trình điều tra với việc vào cuộc của Phòng An ninh kinh tế - PA 81 và Phòng CSGT Công an Hà Nội, Chi cục QLTT Hà Nội đã xử phạt bà Thủy về hành vi kinh doanh hàng nhập lậu với số tiền 4 triệu đồng và tịch thu chiếc xe ôtô có biển kiểm soát 98C - 020.77.
Đủ cơ sở tịch thu xe
Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Hà Nội là địa phương đầu tiên ra quyết định tịch thu xe ô tô vận chuyển gia cầm nhập lậu. Đây là động thái để răn đe những kẻ buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu. Theo ông Phan Thanh Phong - Đội trưởng Đội QLTT số 8 Hà Nội, quy định xử phạt bổ sung, tịch thu phương tiện vận chuyển (trong trường hợp này là gia cầm nhập lậu- PV) đã có từ năm 2008, nhưng hầu như các cơ quan chức năng chưa áp dụng được bởi thực tế các đối tượng buôn lậu rất tinh vi và xảo quyệt.
Theo bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc sở Công Thương Hà Nội, hoạt động buôn gà lậu ngày càng tinh vi. Ngoài việc xé lẻ gà, dùng xe máy, ô tô con vận chuyển, dân buôn còn sử dụng xe ô tô tải, lắp biển số giả để tuồn hàng từ khu vực biên giới phía Bắc về Hà Nội.
Trong thời gian qua, có những vụ không thể tịch thu được phương tiện. Nguyên do là chủ phương tiện chỉ là người vận chuyển thuê cho đối tượng buôn lậu, nên không thể tiến hành tịch thu phương tiện dù đã có quy định. Gần đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển kinh doanh gia cầm trái phép, các đơn vị quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng công an, xác minh rõ mối quan hệ giữa chủ hàng - chủ xe và tiến hành tịch thu, tiêu huỷ gia cầm nhập lậu và sẽ tịch thu phương tiện vận chuyển được xác định có vi phạm.
Ông Phong cũng cho biết thêm về vụ xe 98C - 020.77: Ngay từ đầu, các đối tượng vi phạm đã không hợp tác, nhiều lần chúng tôi mời tới nhưng cả lái xe và chủ xe đều không có mặt. Đội QLTT số 8 và Đội An ninh nông nghiệp Phòng PA81 đã phải phối hợp với Công an Bắc Giang và chính quyền địa phương nơi bà Thuỷ cư trú mời bà Thuỷ lên làm việc với tổ liên ngành nhưng bà Thuỷ vẫn cố tình trốn tránh... Bà này còn thuê cả luật sư và gửi đơn đề nghị xin xe, xin chịu mọi phí tổn...
Theo luật sư Trần Việt Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Việt, muốn xử lý được chủ xe vận chuyển gà lậu cần phải làm rõ được mối quan hệ giữa chủ xe và chủ hàng. Nếu chủ hàng chỉ thuê phương tiện vận chuyển, thì không thể áp dụng biện pháp xử phạt tịch thu phương tiện. Trong trường hợp chủ xe cũng là chủ hàng, tức là biết việc sử dụng xe làm phương tiện vận chuyển hàng lậu là không hợp pháp nhưng vẫn cố tình làm thì các cơ quan chức năng có thể tiến hành các biện pháp xử phạt bổ sung.
“Tạo sức răn đe”
Hôm 6.3, chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá kết quả 2 tháng triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ đạo: Trong 3 tháng tới, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm có chế tài đủ mạnh, có tính răn đe, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập khẩu trái phép như: Tăng mức phạt; bổ sung quy định “thời điểm cơ quan cơ quan kiểm tra yêu cầu mà chủ hàng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của động vật thì số động vật, sản phẩm động vật đó bị coi là hàng nhập lậu”; trường hợp không xác định được chủ hàng thì quy trách nhiệm trực tiếp cho chủ phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ cơ sở pháp lý đối với hành vi tham gia vận chuyển gia cầm nhập lậu, tiến tới thu giữ phương tiện và tịch thu sung công quỹ, tạo ra sức răn đe đối với phương tiện tham gia vận chuyển các mặt hàng lậu, trong đó có con gà.
T.L
Thanh Xuân