Dân Việt

Thí điểm tổ dịch vụ bảo vệ thực vật: Nhiều lợi ích cho nông dân

01/04/2013 09:29 GMT+7
(Dân Việt) - Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NNPTNT đang xây dựng Đề án thí điểm lập tổ dịch vụ BVTV. Tổ dịch vụ này sẽ có những nhiệm vụ gì và nông dân sẽ được hỗ trợ ra sao khi tham gia tổ?
img
 Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng

Trao đổi với phóng viên NTNN, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho biết:

- Hiện trên cả nước đang có tới hàng triệu hộ sử dụng thuốc BVTV để canh tác trên các loại cây trồng của mình. Việc sử dụng thuốc BVTV trong thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP), do nông dân sử dụng không đúng loại thuốc hoặc phun quá liều, dùng thuốc không có trong danh mục cho phép...

Chẳng hạn như thuốc chỉ được sử dụng trên bông, cao su, các cây trồng lâu năm, nhưng người dân vẫn sử dụng ở rau quả. Đặc biệt là, người dân sử dụng thuốc BVTV không đảm bảo thời gian cách ly. Chính vì thế, qua điều tra thực tiễn ở địa phương, chúng tôi nhận thấy cần tổ chức lại công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV bằng việc lập các tổ dịch vụ.

Được biết, đề án này sẽ có giai đoạn thí điểm. Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên thí điểm trên loại cây trồng nào trước?

- Trước mắt, chúng tôi sẽ chọn cây chè để triển khai thí điểm ở 3 miền với mỗi miền một mô hình, để tiến tới đảm bảo vấn đề ATTP, nếu thành công sẽ chuyển sang các loại cây trồng khác. Sau khi thành lập tổ dịch vụ, người nông dân sẽ ký hợp đồng cam kết đảm bảo chè không bị sâu bệnh phá hoại. Muốn thực hiện được cam kết với người nông dân, tổ dịch vụ cũng phải thường xuyên thăm đồng, phát hiện dịch bệnh kịp thời, chọn thuốc BVTV tốt cho người nông dân sử dụng.

img
Tổ dịch vụ sẽ giúp người nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách
(chụp tại Việt Yên, Bắc Giang).

Khi tham gia tổ dịch vụ, người nông dân sẽ được hỗ trợ những gì, thưa ông?

- Những người tham gia vào tổ dịch vụ BVTV sẽ được tập huấn về chuyên môn, được các đơn vị BVTV cơ sở hỗ trợ về kỹ thuật, dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Ngoài ra, những người tham gia vào tổ dịch vụ BVTV còn được hỗ trợ trang thiết bị máy móc, bảo hộ lao động, hỗ trợ về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh định kỳ, hỗ trợ khi xảy ra tai nạn nghề nghiệp, hỗ trợ lãi suất để vay vốn mua trang thiết bị, thuốc BVTV... Nông dân còn được bảo hiểm năng suất, gắn với bảo hiểm nông nghiệp trong trường hợp dịch bệnh xảy ra quá nặng, vượt quá khả năng đền bù của tổ dịch vụ.

Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Theo thoả thuận, Tổ chức CropLife Việt Nam sẽ tài trợ khoảng 800 triệu đồng cho Đề án triển khai thí điểm với 3 mô hình ở 3 miền trong 2 năm đối với cây chè.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều nông dân bị ảnh hưởng sức khỏe trong quá trình phun thuốc BVTV, liệu tổ dịch vụ có giải quyết được vấn đề này?

- Nếu tổ chức được, tổ dịch vụ BVTV sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, trong đó người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất. Ở khu vực nông thôn, hiện làm nông nghiệp chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, họ rất ngại tiếp xúc với thuốc BVTV. Khi có tổ dịch vụ này, họ sẽ chịu trách nhiệm phun thuốc phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng. Người tham gia vào tổ dịch vụ thì có việc làm ổn định, giảm số người tiếp xúc với thuốc BVTV và giảm cả số lượng thuốc BVTV (thực tế có chỗ không sâu bệnh, người dân vẫn sử dụng thuốc theo phòng trào).

Đối với cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý thuận lợi hơn, thay vì quản lý quá trình sử dụng thuốc của hàng triệu nông dân, giờ chỉ cần quản lý các tổ dịch vụ BVTV. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước dễ kiểm soát nguồn thuốc, quy trình sử dụng thuốc, đảm bảo vệ sinh môi trường...

Xin cảm ơn ông!