Dân Việt

Chọn lực đẩy từ cây, con đặc sản

Việt Tùng 28/08/2013 10:20 GMT+7
Địa hình đồi núi, ruộng bậc thang, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí hạn chế... đang là những cản trở lớn khiến việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Cao Phong khó khăn.
Chồng chất khó khăn

Ông Vũ Đình Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Hiện, Cao Phong vẫn là một trong những huyện nghèo của Hòa Bình, với 12 xã, 1 thị trấn, dân số 42.000 người, trong đó hơn 72% là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 21%... “Năm 2010, khi chúng tôi đi khảo sát ở các xã về các tiêu chí NTM, chỉ có 2 xã đạt 5 – 6 tiêu chí, còn lại đa số các xã mới đạt 2 tiêu chí là hệ thống chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng” – ông Việt cho biết.

Một công trình văn hóa đang trong giai đoạn hoàn thành ở thị trấn Cao Phong.
Một công trình văn hóa đang trong giai đoạn hoàn thành ở thị trấn Cao Phong.

Theo ông Việt, khó khăn của Cao Phong là do điều kiện địa hình đồi núi, đa số là ruộng bậc thang, xa khu dân cư, đường dân sinh dài, dân cư lại thưa thớt nên việc vận động người dân tham gia xây dựng NTM theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” hết sức khó khăn. Ông Việt cũng cho hay: “Huyện Cao Phong có đến hàng trăm km đường, theo tính toán cứ làm 1km đường rộng 3,5m hết khoảng 250 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân đóng góp 40%, nhưng như vậy vẫn là quá sức đối với người dân. Còn việc dồn điền đổi thửa rất khó thực hiện, bởi thôn nào cũng có nhiều xứ đồng xấu tốt khác nhau và đa số là ruộng bậc thang, vì thế chúng tôi chưa biết phải chia, dồn thế nào”.

Trao đổi với chúng tôi về phương án dồn điền đổi thửa và làm đường giao thông nông thôn, ông Bùi Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Bắc Phong tỏ ra sốt ruột: “Bắc Phong thuộc diện xã xây dựng NTM giai đoạn 2 (2015 – 2020). Hiện xã mới đạt 5 tiêu chí, nhưng các tiêu chí còn lại thì đều là những tiêu chí ngốn nhiều tiền, trong khi đó nguồn thu của xã, người dân rất hạn hẹp. Dù còn 7 năm nữa để xây dựng NTM nhưng để đạt 19 tiêu chí quả là rất gian nan”.

Coi nông nghiệp là “điểm tựa”

Để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo đà cho xây dựng NTM, những năm gần đây Cao Phong rất chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó cam và mía tím được chọn là cây chủ lực. Tuy nhiên, cây cam, mía cũng chỉ thích hợp với đồng đất của một số xã như Nam Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, thị trấn Cao Phong, còn lại các nơi khác vẫn phải dựa vào cây lúa, cây ngô là chính. Ông Việt cho biết: “Hiện Cao Phong đang phát triển rất tốt cây cam, với diện tích khoảng 500ha, giá trị đạt từ 250 – 500 triệu đồng/ha/năm và mía tím khoảng 300ha, đạt giá trị từ 180 – 230 triệu đồng/ha/năm. Do đó tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát và mở rộng diện tích cam, mía, nếu hợp lý”.

"Năm 2011, tổng huy động vốn của huyện là 565 triệu đồng, năm 2012 là 900 triệu đồng và năm 2013 là 2,383 tỷ đồng, nên việc đầu tư vào xây dựng NTM chẳng khác nào muối bỏ bể”.
Ông Vũ Đình Việt


Bên cạnh cam, mía tím, Cao Phong cũng đang triển khai các mô hình trồng rừng, phát triển đàn bò thịt, trồng rau an toàn, dệt thổ cẩm… Theo đánh giá của ông Bình, việc đẩy mạnh phát triển các cây, con đặc sản sẽ góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. “Hầu hết các thôn của Cao Phong đều chưa có nhà văn hóa đạt chuẩn, hay việc làm đường giao thông, Nhà nước cũng nên xem xét có cơ chế riêng đối với các xã nghèo, xã có đường giao thông dài, dân cư thưa thớt… Ngoài ra, cần hỗ trợ người dân học nghề, tìm việc làm để nâng cao mức sống người dân” – ông Bình nói.