Ngày 19.5, tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, cơ quan này đã ra quyết định truy nã đối với bị can Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và sau này là Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Ông Dương Chí Dũng đã vắng mặt bất thường tại cả nơi cư trú và nơi làm việc |
Trước đó, ngày 18.5,Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và quyết định bắt tạm giam ông Dương Chí Dũng về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 của Bộ Luật Hình sự.
Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra tiến hành tống đạt các quyết định này thì bị can Dương Chí Dũng (SN 1957) đã không có mặt tại cơ quan cũng như nơi cư trú (trú ở phố Nguyên Hồng, quận Đống Đa, Hà Nội).
Trong khi đó, theo lịch làm việc, ông Dương Chí Dũng không có kế hoạch đi công tác bình thường hay đột xuất tại thời điểm cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam. Từ ngày 18.5,ông Dũng cũng đã bị mất liên lạc.
Sau khi có quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam, trong cùng ngày 18.5, Bộ Giao thông Vận tải đã ra quyết định đình chỉ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải cũng như sinh hoạt Đảng với ông Dương Chí Dũng.
Trước đó, vào tối 17.5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khám xét và bắt giữ ông Mai Văn Phúc (trú ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Vụ phó Vụ Vận tải - Bộ GTVT, nguyên tổng giám đốc Vinalines và ông Trần Hữu Chiều (trú ở phố Thái Thịnh, quận Đống Đa), phó tổng giám đốc Vinalines, cũng về hành vi như ông Dương Chí Dung.
Được biết, ông Dương Chí Dũng giữ chức chủ tịch HĐQT rồi chủ tịch HĐTV Vinalines từ tháng 8.2005 cho đến khi được giao giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam từ ngày 6.2.2012. Còn ông Mai Văn Phúc từng có 2 năm ở cương vị tổng giám đốc Vinalines dưới thời ông Dương Chí Dũng làm chủ tịch HĐQT.
Thông tin ban đầu, ông Dũng, ông Phúc và ông Chiều có liên quan đến những sai phạm trong việc điều hành Vinalines trong dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam của Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (thuộc Vinalines). Trong đó, đáng chú ý là việc đầu tư mua ụ nổi No83M gây lãng phí đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 4 bị can về hành vi tham ô tài sản.
Cụ thể, tháng 6.2007, Vinalines phê duyệt chủ trương xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó có hạng mục mua và lắp đặt một ụ nổi cũ No83M có sức nâng 25.000 tấn từ nước ngoài.
Ban đầu, tổng mức đầu tư dự kiến cho ụ nổi này là hơn 13 triệu USD nhưng sau khi đưa về Việt Nam đã phải sửa chữa tiêu tốn thêm hàng trăm tỉ đồng, nâng tổng số tiền “ném” vào ụ nổi này lên tới hơn 26 triệu USD, gấp đôi dự toán. Chưa hết, ụ nổi này được xác định là đã qua sử dụng 43 năm, vượt 28 năm so với quy định.
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.