Nhìn bà sếp sắp đồ ra đi, nhân viên ai cũng mở cờ trong bụng, đặc biệt là cánh đàn ông, con trai. Anh cũng mừng lắm, vậy là từ giờ, anh không còn bị bà sếp hành hạ nữa. Chị Hà ra vẻ ngạc nhiên, nhưng thật ra, trong việc bà sếp chuyển công tác, có sự đóng góp phần lớn của chị....
Anh Lâm là nhân viên kinh doanh của một công ty nước ngoài. Anh thường rất tự hào về công việc của mình, bởi theo lời anh, ở chỗ anh làm, ai ai cũng tài giỏi, cũng “đẳng cấp” cả. Anh rất hài lòng với công việc của mình, vừa đúng chuyên môn, vừa lương cao, lại chẳng đến nỗi vất vả lắm. Anh cũng là người rất tâm huyết với nghề.
Không như những công chức khác thường trốn việc, cắt xén giờ làm, anh Lâm tỏ ra rất mẫn cán. Anh đi làm từ sáng sớm và chỉ trở về nhà sau 6h tối. Vậy mà từ ngày thay trưởng phòng mới, anh cũng thay hẳn thái độ làm việc. Mỗi khi đến giờ đi làm, anh lại thở dài thườn thượt, vẻ mặt chán nản, uể oải. Tất cả là tại sự thay đổi nhân sự trớ trêu ấy.
Trưởng phòng mới của anh là một người phụ nữ đã cứng tuổi mà vẫn chưa chồng, rất đồng bóng, khó tính với cấp dưới là nữ, nhưng lại dễ dãi với nhân viên nam. Mới đầu, khi bà ta mới về nhậm chức, nhân viên công ty đều hồ hởi vui mừng, anh cũng không nằm ngoài số ấy.
Họ cứ tưởng rằng sếp mới sẽ mang lại luồng gió mới, khích lệ tinh thần làm việc của mọi người, nhưng chẳng ai ngờ được rằng, đó lại là... “gió độc” làm mọi người phải “méo mặt”, theo cái cách mà họ hay thầm thì với nhau. Bà sếp tính tình rất lạ đời.
Bà ta ra mặt phân biệt đối xử với nam nhân viên và nữ nhân viên. Với nữ nhân viên, chỉ cần làm có một sơ suất nhỏ, không vừa ý là ngay lập tức bị khiển trách, kỷ luật. Mỗi kì họp, bà ta đều ra sức “bới lông tìm vết”, soi mói để bắt lỗi nhân viên, từ công việc, cuộc sống tư hay cách các cô đi đứng, ăn mặc cũng bị bà sếp lôi ra để chì chiết.
Nhưng với nam nhân viên thì lại hoàn toàn khác. Bà ta rất mềm mỏng, sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm cho nhân viên nếu như anh ta khéo léo, biết làm vừa lòng bà. Sau lưng bà sếp, đám nhân viên đặt cho bà ta cái biệt danh đầy châm biếm: “bà cô hám giai”.
Nhưng dù có ghét sếp, hay thấy rằng bà ta đối xử không công bằng, lấy việc công trả thù tư... thì cũng chẳng ai dám lên tiếng, bởi bà sếp nổi tiếng là người thù dai, chấp vặt. Bà ta đã thẳng tay trù dập một cô nhân viên vì cái tội “mách lẻo” với cấp trên khiến cho những người khác đều phải kiêng sợ.
Ngặt nghèo một nỗi, bà sếp hám trai trẻ, mà anh Lâm lại vừa trẻ vừa đẹp trai. Bởi vậy, ngay lập tức, anh lọt vào “tầm ngắm” của bà ta. Là cấp trên trực tiếp của anh nên bà ta càng có cớ và càng được thể để hành hạ anh bằng đủ mọi cách.
Đầu tiên, bà sếp tìm cách tiếp cận anh, bà ta liên tục gọi anh vào phòng, lấy cớ là để bàn bạc công việc, thảo luận dự án, song thực ra là để được gần gũi, có cơ hội để “đong đưa” anh. Anh càng cố tránh xa thì bà ta càng “sấn sổ” lại gần. Mỗi lần đi họp hành, hoặc lấy cớ là đi họp hành, bà ta đều bắt anh phải tháp tùng. Người ngoài nhìn vào lại tưởng rằng anh Lâm được sếp ưu ái, thiên vị, nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu nỗi thống khổ không nói thành lời của anh.
Bà sếp vừa già, vừa vô duyên, vậy mà cứ nhằm những chỗ đông người, bà ta lại liếc mắt đưa tình với anh, rồi cố làm ra vẻ mình là một người hài hước bằng cách kể những câu chuyện “nhạt hơn cả nước ốc”, vậy mà anh Lâm vẫn phải cố gắng gượng cười để hưởng ứng.
Thấy thế, bà sếp lại càng được thể, bà ta ngang nhiên sàm sỡ anh, lúc thì nắm tay, khi lại vờ phủi bụi trên áo anh để hờ hững ve vuốt. Cứ mỗi lần bị bà ta động vào người, anh lại rùng mình, sởn gai ốc. Anh sợ bà sếp lắm nhưng vẫn phải cắn răng “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Song càng ngày, bà sếp của anh lại càng quá quắt hơn. Hành hạ anh suốt sáu ngày đi làm, đến ngày chủ nhật được nghỉ, bà ta cũng chẳng tha cho anh. Bà ta yêu cầu anh phải mở điện thoại 24/24 để bà ta còn kịp thời bàn bạc, phân công công việc.
Nhưng cũng từng ấy thời gian, điện thoại của anh rung liên hồi, toàn những cuộc gọi ỡm ờ của bà sếp. Mỗi lần nghe thấy tiếng chuông điện thoại, và trên màn hình hiện lên chữ “sếp”, anh lại thấy bủn rủn cả người. Anh thấy bà sếp thật là phiền phức.
Bà ta còn gây phiền hà hơn khi ngang nhiên cho mình cái quyền được xen vào đời tư của anh, cướp nốt của anh những giây phút hiếm hoi dành cho gia đình. Việc làm ấy của bà sếp đã “chọc giận” chị Hà, vợ anh.
Cuộc chiến hoa hồng
Từ hồi còn đi học, chị Hà đã được bạn bè đặt cho cái danh là “tổ kiến lửa”. Chẳng kẻ ngốc nào dám làm chị bực mình, bởi hậu quả là khôn lường. Chị thông minh, sắc sảo nhưng cũng chẳng kém phần đanh đá, chanh chua. Từ ngày lấy chồng, tính tình chị có “lành” đi vài phần.
Song, khi chứng kiến việc chồng mình bị bà sếp già hám giai hành hạ, chị lại nổi cơn tam bành. Như bao người phụ nữ khác, máu “Hoạn Thư” của chị cũng rất khủng khiếp, nhưng chị lại chẳng phải là một kẻ dại dột. Chị đã suy nghĩ rất kỹ.
Chị thừa khả năng để thuê vài người đàn ông bặm trợn đến “dằn mặt” bà sếp ở một góc phố vắng người nào đó, để bà ta phải sợ hãi mà buông tha cho chồng chị. Chị cũng dư sức và thừa can đảm để đến gặp mặt bà ta, sỉ vả cho bà ta một bài để bà ta thấy xấu hổ mà tránh xa chồng chị.
Nhưng những cách ấy đều mạo hiểm cả. Hậu quả của nó có thể sẽ là công lao bao năm cống hiến cho công ty của chồng chị đổ sông đổ bể, sẽ là tương lai đang rộng mở của anh bị bà sếp trù dập cho tan tành... Vậy nên, chị chẳng dại gì. Chị đã nghĩ ra một kế, một cuộc chiến thầm lặng, ngọt ngào nhưng cũng chẳng kém phần “cao tay”.
Vậy là từ ấy, mỗi sáng, bà sếp của chồng chị đều nhận được một bó hồng nhung còn đẫm sương từ một dịch vụ điện hoa theo yêu cầu. Bó hoa đẹp đến nỗi thu hút mọi ánh nhìn của mọi nhân viên trong công ty.
Đám đàn bà, con gái thì trầm trồ ngưỡng mộ xen lẫn ghen tỵ, còn đám đàn ông, con trai cũng tự hỏi kẻ nào lại lãng mạn đến vậy trong cái thời buổi “thóc cao gạo kém” này. Đóa hoa được chuyển đến công ty vào đúng lúc đông người nhất, khi mà mọi nhân viên đã có mặt và khách khứa cũng đang tấp nập giao dịch. Bó hồng đẹp mê hồn ấy dành riêng cho bà sếp.
Những ngày đầu, bà sếp hí hửng và vênh váo ra mặt vì tưởng rằng có người thầm thương, trộm nhớ mình song lại quá nhút nhát, rụt rè nên mới thể hiện tình cảm bằng cách lãng mạn ấy. Nhưng khi những bó hoa cứ ngày ngày được gửi tới mà người gửi thì vẫn giấu biệt quí tính đại danh, bà sếp bắt đầu bực bội.
Đúng lúc ấy, những tấm thiệp viết tay bắt đầu xuất hiện trong mỗi bó hoa. Trên thiệp là những nét chữ rất nắn nót, tròn trịa và đều đặn của một cô gái cùng với lời chúc đầy hàm ẩn đến nỗi vừa đọc xong, bà sếp đỏ mặt phừng phừng như bốc lửa, vò nát tấm thiệp và thẳng tay ném cả hoa lẫn thiệp vào sọt rác một cách không thương tiếc trong ánh mắt tò mò, ngỡ ngàng của đám nhân viên.
Đợi đến lúc bà sếp ra về, đám nhân viên còn cố tình nán lại, rón rén nhặt tấm thiệp lên rồi túm tụm lại xem và mới vỡ lẽ. Hóa ra bó hoa hồng tuyệt đẹp mỗi sáng được gửi tới bà sếp là từ “Hội liên hiệp những người vợ có chồng bị hành hạ”, thảo nào mà bà sếp tức tối đến vậy. Từ đó, bà sếp trở thành chủ đề thú vị cho mọi cuộc đàm tiếu, bêu xấu, buôn chuyện những lúc rảnh rỗi của đám nhân viên.
Những đóa hoa vẫn tiếp tục được gửi tới, còn đám cấp dưới thì nhìn sếp với ánh mắt vừa khinh ghét vừa thương hại và cứ ngơi tay ra là họ lại bàn tán về câu chuyện đáng xấu hổ vừa qua, bà sếp như muốn phát điên. Tai tiếng của bà sếp chẳng mấy chốc đã lan ra ngoài phòng kinh doanh, lan sang cả nhiều bộ phận khác, và tràn ra ngoài công ty.
Bà sếp chẳng còn khả năng kiểm soát, “một đồn mười, mười đồn trăm”, người ta bắt đầu thêu dệt đủ điều về bà sếp khiến cho bà ta chẳng còn mặt mũi nào mà ở lại công ty. Vậy là chẳng bao lâu sau đó, bà ta lặng lẽ rút lui, chuyển công tác, buông tha cho tất cả đám trai trẻ dưới quyền.