Dân Việt

Bảo tồn và nâng cao giá trị chè Shan

21/05/2012 13:06 GMT+7
(Dân Việt) - Sau gần 2 năm thực hiện Dự án "Sự tham gia của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số và chuỗi giá trị chè Shan tỉnh Hà Giang", nhiều hộ nông dân đã mở rộng được diện tích chè với thị trường tiêu thụ ngày càng ổn định, phát triển.

Trồng chè theo phương pháp hữu cơ

Chị Đặng Thị Nạp - dân tộc Dao, ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) cho biết: "Địa phương chúng tôi có nhiều đất đồi, núi bỏ không nhưng chẳng đủ điều kiện để trồng cây chè Shan. Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn trồng chè theo phương pháp hữu cơ, đến nay đã mở rộng được diện tích chè lên 6ha".

img
Trồng chè hữu cơ mang lại thu nhập cao cho người dân.

Theo chị Nạp, trồng chè Shan phương pháp hữu cơ không tốn chi phí và công chăm sóc, mỗi năm chỉ cần làm cỏ một lần nhưng có thể được thu hoạch từ 4-5 vụ. Tuy nhiên, giống chè này lại phải trồng và chăm ít nhất 5 năm mới được thu hoạch nên không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện đầu tư loại cây đặc sản này, nếu không có sự hỗ trợ. Ngoài chị Nạp, nhiều gia đình khác ở đây cũng đã mở rộng được diện tích trồng chè với hiệu quả cao nhờ chuyển sang canh tác theo phương pháp hữu cơ.

Theo ông Buddhika Samarasinghe - Trưởng nhóm Tư vấn, dự án chè Shan ở Hà Giang là một hợp phần của Dự án "Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo" (M4P2) do DFID và ADB tài trợ. Mục tiêu của dự án là xác định được các lĩnh vực còn yếu kém của nông dân và doanh nghiệp để có tác động và hỗ trợ cho phù hợp.

Tính đến nay, đã có 300 hộ nghèo ở Hà Giang được đào tạo và tổ chức thành nhóm thu mua chè. Ông Buddhika Samarasinghe cho biết: "Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 460 hộ nghèo từ 11 bản của xã Cao Bồ được đào tạo về trồng chè hữu cơ với tổng diện tích 743ha. Dự kiến, thu nhập của những nông dân tham gia trồng chè hữu cơ đã tăng thêm 130% so với trước".

Bảo tồn chè Shan đặc sản

Ông Đào Việt Dũng - chuyên gia cao cấp quản lý khu vực công (đại diện ADB) cho biết: "Sau gần 2 năm triển khai, dự án đã thành lập và củng cố nhóm sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và số lượng nguyên liệu chè búp tươi, đồng thời xây dựng vườn ươm, và phát triển thương hiệu chè hữu cơ, hướng tới các thị trường xuất khẩu chè cao cấp, qua đó góp phần bảo tồn giống chè Shan đặc sản".

Dự án M4P2 có tổng ngân sách khoảng 575.000USD được triển khai với sự tham gia của Công ty TNHH thương mại Hùng Cường. Công ty này có nhiệm vụ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trồng chè Shan.

Theo thống kê, đã có gần 760 hộ nghèo ở Hà Giang được đào tạo về trồng chè hữu cơ. Hiện dự án đã xây dựng một vườn ươm 400.000 cây giống, trước đó 600.000 cây giống đã được chuyển giao cho bà con để trồng theo phương pháp hữu cơ.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc công ty cho biết: "Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã mở rộng diện tích trồng mới chè Shan lên 300ha, tăng 168%". Ngoài cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật, Công ty Hùng Cường còn chịu trách nhiệm thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Chỉ tính riêng năm 2011, công ty đã thu mua khoảng 740 tấn chè búp tươi từ các nông hộ tham gia dự án với tổng giá trị khoảng 5 tỷ đồng.

Theo ông Đoàn Anh Tuấn- Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, với sản lượng khoảng 130.000 tấn, hiện nước ta đứng thứ 5 về xuất khẩu chè, nhưng giá trị chỉ đạt 60% so với giá bình quân thế giới. Dự án xây dựng chuỗi giá trị chè Shan đã giúp được đồng bào trồng chè hữu cơ, nâng cao giá trị cho thương hiệu chè đặc sản này. Mặt khác, dự án cũng góp phần bảo tồn và phát triển giống chè Shan, trong đó có những cây trên 100 tuổi với tổng diện tích hiện đã lên tới hơn 740ha.