Làng quê truyền thống với mái đình, cây đa, bến nước, những ngôi nhà 3 gian - 2 chái giản dị nằm yên bình dưới bóng hàng cau đang dần biến mất. Thay thế vào đó là những dãy nhà xây cất theo kiểu hàng phố, kiến trúc thô mọc lên.
Theo ông Tùng, về cấu trúc, làng quê Việt đang dần biến mất, mà đến thời điểm này, quy hoạch kiến trúc nông thôn vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu xây dựng NTM. Có vẻ như thời gian qua, chúng ta đã quá say sưa với “đô thị hóa nông thôn”. Đây là một nhận thức nhầm lẫn. Không thể áp đặt lối sống đô thị vào nông thôn. “Không thể thay đổi nếp sống, cách nghĩ của nông dân bằng cách nghĩ, cách sống của người dân đô thị. Đó là sự áp đặt khiên cưỡng. Bản chất của xây dựng NTM là hiện đại hóa nông thôn, chứ không phải đô thị hóa” - ông Tùng nhấn mạnh.
Để giải quyết những vấn đề trên, quy hoạch NTM là khâu quan trọng nhất, đòi hỏi sự tham gia của kiến trúc sư. Bởi lẽ, nếu can thiệp thô bạo theo kiểu “sắp đặt lại giang sơn” như đã từng xảy ra, thì cấu trúc làng quê truyền thống sẽ bị phá vỡ mà thay vào đó chỉ là những dãy nhà chia lô kiểu phố huyện.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, xây dựng NTM không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai mà là sự nghiệp lâu dài và khó khăn. Nhưng để đi đến thành công, trước mắt Nhà nước cần phải có sự hỗ trợ các địa phương để họ thực hiện những quy hoạch bài bản, khoa học, bám sát thực tế. Đặc biệt, những quy hoạch ấy cần phải tôn trọng, bảo tồn các yếu tố văn hóa đặc sắc của làng quê truyền thống.
Quang Anh (ghi)