"Thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của vắc-xin Việt Nam” – GS-TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã chia sẻ với Dân Việt ngày 1.4.
TCMR góp phần đẩy lùi nhiều bệnh tật. Ảnh: Tuấn Kiệt |
Thưa ông, hiện tại có bao nhiêu vắc-xin của Việt Nam đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng?
-GS Nguyễn Trần Hiển: Năm 1985, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở Việt Nam đã chính thức triển khai ở tất cả các tỉnh thành phố của Việt Nam với việc tiêm chủng 6 loại vắc-xin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em bao gồm: lao, bạch hầu-ho gà-uốn ván, bại liệt và sởi. Năm 1997, có 4 loại vắc-xin mới được đưa thêm vào TCMR để phòng các bệnh viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn.
Năm 2010, vắc-xin thứ 11 là vắc-xin Hib phòng bệnh viêm phổi nặng và viêm màng não do vi khuẩn Hib được đưa vào tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi.
Trong 11 vắc-xin nêu trên thì 10 vắc-xin được sản xuất trong nước, chỉ có duy nhất vắc-xin Hib ”5 trong 1” là vắc-xin nhập ngoại ngừa 5 bệnh (bạch hầu-ho gà-uốn ván, viêm gan B và Hib). Số lượng vacxin sử dụng trong chương trình TCMR trung bình hàng năm khoảng gần 45 triệu liều
Sau 25 năm, chương trình TCMR đã đạt được những thành quả gì?
-Trong suốt 25 năm qua, chương trình TCMR đã bao phủ 100% tỉnh, thành trên cả nước với hơn 90% số trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng. Bằng tiêm chủng vắc-xin, tỷ lệ mắc nhiều bệnh nhiễm khuẩn có vắc-xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Nhiều bệnh như bại liệt, uốn ván sơ sinh không có ca tử vong nào từ sau năm 2005.
Tỷ lệ mắc các bệnh trong chương trình tiêm chủng như bệnh ho gà, bạch hầu, sởi giảm rõ rệt. So sánh giữa năm 1985, năm bắt đầu triển khai TCMR và năm 2009, tỷ lệ mắc ho gà giảm 543 lần, bạch hầu giảm 433 lần, uốn ván sơ sinh giảm 69 lần…
Hiện Việt Nam đang tiến gần đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi và khống chế bệnh viêm gan B. Thành tựu của công tác TCMR đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ thứ tư về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em đã được Chính phủ Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế.
Chương trình TCMR ở Việt Nam là một trong những chương trình y tế được Đảng, Nhà nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được người dân hưởng ứng và được coi là một chương trình y tế có hiệu quả nhất ở Việt Nam.
Vắc-xin Việt Nam đã đóng góp gì vào thành tựu TCMR của Việt Nam?
-Mặc dù là quốc gia vẫn còn nghèo nhưng với việc tự sản xuất được một số loại vắc-xin đưa vào chương trình TCMR, góp phần quan trọng vào việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, giảm gánh nặng chi phí điều trị bệnh tật.
Giá thành vắc-xin Việt Nam trong chương trình TCMR thấp hơn nhiều (khoảng 1/10) so với vắc-xin nhập ngoại. Các vắc-xin là an toàn và có hiệu qủa trong phòng các bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin.
Theo ước tính về chi phí hiệu quả của các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, trong giai đoạn từ 1985-2010, nhờ triển khai Chương trình TCMR, chúng ta đã dự phòng cho khoảng 6,7 triệu ca mắc và 42.900 ca tử vong do các bệnh có thể dự phòng được bằng vắc-xin như bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà.
Ước tính chi phí để cứu được 1 năm sống do các bệnh nêu trên trong giai đoạn này là 190 đô la Mỹ (3.800.000 đồng Việt Nam). Mức chi phí này thấp hơn rất nhiều so với thu nhập quốc gia bình quân đầu người của Việt Nam.
Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, như vậy thì đầu tư y tế đó là “rất hiệu quả”. Không những chủ động được nguồn vắc-xin phục vụ tiêm chủng trong nước mà Việt Nam còn xuất khẩu vắc-xin ra nước ngoài.
Công tác TCMR nói chung và việc sản xuất nói riêng hiện đang gặp những khó khăn gì?
-Công tác TCMR ở nước ta vẫn gặp nhiều trở ngại như thiếu cán bộ y tế dự phòng tuyến huyện, xã; ngân sách nhà nước đầu tư cho TCMR mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu; nhiều bệnh dịch nguy hiểm chưa có vắc xin hoặc chưa được đưa vào chương trình TCMR như rubella, cúm H5N1...
Việc sản xuất vắc-xin cần được đầu tư kinh phí để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm cải tiến công nghệ và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng vắc-xin đầy đủ, an toàn và có chất lượng cao.
Diệu Linh (ghi)