Dân Việt

4 nhà hợp tác trồng ớt xuất khẩu

02/04/2013 06:57 GMT+7
(Dân Việt) - Nhờ có doanh nghiệp lo đầu vào, bao tiêu đầu ra, hỗ trợ vật tư kỹ thuật… nhiều hộ nông dân ở Vĩnh Phúc đã trồng tới 6 – 8ha ớt cho năng suất cao.

Mô hình này của Vĩnh Phúc đang trở thành điển hình trong liên kết sản xuất- tiêu thụ nông sản.

Cây mới trên đất cũ

Cuối năm 2012, Sở NNPTNT Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty cổ phần Stevia Venture triển khai Dự án trồng ớt Mỹ Nhân Vương trên địa bàn các huyện như: Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Bình Xuyên với diện tích hơn 40ha.

Đây là mô hình hợp tác “4 nhà” nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, công ty sẽ ký hợp đồng với người dân và cấp toàn bộ giống ớt, 43kg phân/sào, 290m2 nylon che phủ, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý đất, cử cán bộ “cắm” tại địa phương để hỗ trợ người dân về kỹ thuật, đồng thời bao tiêu toàn bộ đầu ra.

img
Kỹ sư Vũ Văn Hải bên ruộng ớt Mỹ Nhân Vương của bà Đỗ Thị La.

Theo kỹ sư Vũ Văn Hải- cán bộ phụ trách trồng ớt tại Tam Đảo, Bình Xuyên của Công ty cổ phần Stevia Venture, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Vĩnh Phúc rất phù hợp với sự phát triển của ớt Mỹ Nhân Vương. “Giống ớt này rất khỏe, ít sâu bệnh, chỉ trồng 2 – 2,5 tháng là cho thu hoạch (khoảng 4 tháng)”– anh Hải cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Luật, thôn Cơ Khí, xã Gia Khánh (Bình Xuyên), nhận thấy mô hình này hiệu quả, ngoài 1,5ha ruộng của gia đình, anh còn thầu thêm 1,5ha để trồng ớt. Anh Luật tâm sự: “Trồng ớt khó hơn trồng lúa, nhưng kỹ thuật đã có cán bộ công ty hỗ trợ, từ lúc đặt cây giống, bón phân, phun thuốc, cho đến khi thu hoạch nên mình cũng yên tâm. Cái thuận nữa là đầu ra đã được công ty bao toàn bộ, mình chăm sóc tốt thì thu lời cao”.

Ớt tươi… tiền tươi

Đến kỳ thu hoạch, công ty sẽ báo trước 2 – 3 ngày để người dân thu hái. Điểm tập kết thu mua được công ty bố trí gần ruộng, thuận tiện đường đi, nên người dân không mất nhiều công vận chuyển. Sau khi cân xong, công ty sẽ thanh toán ngay cho nông dân.

Buổi trưa trên cánh đồng ớt ở các xã Minh Quang, Hợp Châu (Tam Đảo) hàng chục người dân vẫn tích cực tưới nước, bón phân cho ớt. Bà Đỗ Thị La thôn Ấp Dâu, xã Minh Quang nói: “Chỉ cần ớt đạt năng suất 1,8 tấn/sào, mỗi vụ tôi thu gần 9 tấn ớt, nhân với giá 8.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 50 triệu đồng, gấp 3 – 4 lần trồng lúa”.

Người trồng nhiều ớt nhất ở đây là anh Trần Ngọc Huân, xã Triệu Đề (Lập Thạch), hiện anh Huân đang có tới 12ha ớt. Anh Hải cho biết, sau khi thu mua, công ty sẽ tiến hành sơ chế, bảo quản và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hongkong, Hàn Quốc…

Ông Nguyễn Văn Quỳnh – Trưởng phòng NNPTNT huyện Vĩnh Tường cho biết: “Vĩnh Tường đang trồng hơn 7ha ở Mỹ Nhân Vương. Hiện đã cho thu lứa đầu công ty mua với giá 8.000 đồng/kg, trung bình mỗi sào đạt 1,5 – 2 tấn, nếu so với trồng lúa, ngô, lạc như trước kia, cây ớt cho thu nhập cao hơn 2 – 3 lần”.