Dân Việt

Tổ vay vốn - cánh tay nối dài của ngân hàng

02/04/2013 09:54 GMT+7
(Dân Việt) - Qua tổ tiết kiệm và vay vốn, hàng ngàn hộ ND nghèo ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) không chỉ có vốn sản xuất - kinh doanh, mà còn có tiền cho con đến trường; làm các công trình vệ sinh...

Mẹ yên tâm làm ăn, con có tiền đi học

Nói về con đường thoát nghèo của gia đình mình, chị Lê Thị Hoa, ở thôn 5, xã Tân Thọ (Nông Cống), chia sẻ: "Từ hơn 1ha diện tích đất nông nghiệp, được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, tôi mua 3 con lợn mẹ, 50 con lợn thịt kết hợp với nuôi cá và cấy lúa. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu 70-80 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn được vay vốn chương trình học sinh, sinh viên (HSSV) cho 2 con học đại học. Nếu không có vốn ưu đãi, không biết khi nào gia đình tôi mới thoát đói nghèo".

img
Ông Nhữ Trọng Phong (người đứng giữa), xã Vạn Hòa, Nông Cống phát triển nghề nuôi ong mật.

Cũng như chị Hoa, cuộc sống của gia đình anh Đỗ Đức Thái, ở thôn Hữu Cần, xã Tế Lợi, chỉ trông vào mấy sào ruộng. Năm 2006, anh nhận thầu 3ha đất, được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, anh xây khu trang trại tổng hợp cấy lúa kết hợp với chăn nuôi... Hiện, trang trại của anh có 11 con lợn mán bố mẹ, 40 con lợn "cắp nách"; 20 con lợn nái, chưa kể ao cá, gà, vịt, chim... Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh có 150-200 triệu đồng.

Không chỉ có vốn sản xuất, nhiều HSSV được tiếp vốn để yên tâm đi học. Em Lê Thị Lan, ở xã Tế Thắng tâm sự: "Nhờ chương trình tín dụng ưu đãi của HSSV mà 3 chị em cháu không phải bỏ học giữa chừng. Cháu đã ra trường, có việc làm ổn định, hàng tháng trích một phần lương phụ bố mẹ trả nợ ngân hàng để các bạn khác cũng được vay như cháu"...

Vay vốn không quên gửi tiết kiệm

"Các thành viên tổ TKVV được công khai bàn bạc dân chủ từ khâu bình xét đối tượng vay, mục đích vay... đến tham gia cùng cán bộ tín dụng, đơn vị ủy thác giải quyết rủi ro của hộ vay trong quá trình sử dụng vốn".

Ông Lê Đức Cường - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Nông Cống cho biết: "Hiện, Ngân hàng CSXH huyện Nông Cống đã ủy thác thông qua 90 hội, đoàn thể tại 33 xã, thị trấn quản lý 533 tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV); 17.852 hộ đang dư nợ, với tổng số tiền 289,3 tỷ đồng thuộc 6 chương trình. Đặc biệt, ngân hàng đã huy động được 3,2 tỷ đồng nguồn vốn tiết kiệm.

Điển hình như tổ TKVV thôn Ngọc Tháp, xã Hoàng Giang có 53 hộ thành viên, với tổng dư nợ 1,04 tỷ đồng. Các thành viên đã gửi tiết kiệm được 27 triệu đồng". Ông Lê Thanh Đông - Chủ tịch Hội ND xã Tế Thắng cho biết: "Hiện, Hội đang quản lý 11 tổ vay vốn với 437 hộ thành viên với tổng dư nợ 6,5 tỷ đồng".

Theo ông Lê Anh Nhất - Chủ tịch Hội ND huyện Nông Cống: "Với thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều hộ ND thoát nghèo. Ưu đãi lớn nhất là một hộ có thể vay vốn của nhiều chương trình. Vì vậy, dù mức vay mỗi chương trình chưa nhiều, nhưng tổng thành mỗi hộ lại có đủ nguồn lực cho thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế chung của mình. Trong số những tổ chức chính trị - xã hội được ủy thác vay vốn, Hội ND có tổng dư nợ cao nhất. Hiện Hội đang quản lý 159,1 tỷ đồng với 278 tổ vay và 10.021 hộ vay, giúp 2.015 hộ ND trong huyện thoát nghèo bền vững".