Dân Việt

Lão nông gác chắn tàu và ước mơ một cái lán mới

02/04/2013 06:50 GMT+7
(Dân Việt) - Dù đã già lại tàn tật nhưng ông vẫn ra sống một mình ở cái lán nhỏ để ngày đêm gác chắn tàu không công. Lão nông khuyết tật ấy là Nguyễn Văn Xá, 66 tuổi, ở thôn Dụ Nghĩa (xã Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng).

“Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”

Từ trước năm 2009, năm nào đoạn đường ngang gần ga Dụ Nghĩa này cũng xảy ra tai nạn chết người, có năm lên tới 5-7 người, được coi là điểm đen của tai nạn đường sắt Hải Phòng. Người dân nơi đây vẫn còn bàng hoàng về cái chết thương tâm của một nam công nhân Khu công nghiệp Nomura khi đi qua đường tàu vào giờ tan tầm cánh đây không lâu.

Lúc đó vào khoảng 5 rưỡi chiều. Người công nhân nam này đã bị tàu cán làm 3 khúc, trong đó khúc giữa bị tàu kéo đi không tìm được xác. Người dân chứng kiến ai cũng hoảng hồn. Về phía dân làng Dụ Nghĩa, tai nạn nhỏ cũng nhiều. Chính cô cháu họ ông Xá cũng bị tàu kẹp chết ở đoạn này.

img
Ông Xá thổi còi, kéo gác chắn để mọi người dừng lại khi tàu qua.

Trước tình hình đó, Hội Người cao tuổi nơi ông sinh hoạt đã gợi ý, ông Xá tuy tàn tật nhưng nhanh nhẹn, tháo vát, không vướng bận việc nhà, lại nói năng được, có thể đảm nhiệm việc này. Rồi bà con xóm làng mỗi người một lời góp vào, ai cũng muốn ông ra gác chắn để bà con yên tâm qua lại.

Lúc đầu vợ con ông phản đối kịch liệt vì lo cho ông ra ngoài đường sắt ở một mình chẳng may trái gió trở trời lúc nửa đêm biết kêu ai. Nhưng ông vẫn quyết vì bà con đã gửi gắm niềm tin vào ông, và quan trọng hơn ông muốn được cống hiến giúp đời khi còn sức lực. Thế là ông làm đơn tình nguyện gửi lên chính quyền xã, xin ra gác chắn (tại km 87+350, Quốc lộ 5). Xã chấp thuận ngay và vận động bà con góp vật liệu, công sức dựng cần chắn đường và làm căn lán nhỏ bên lối vào thôn Dụ Nghĩa, để ông Xá có chỗ ăn ở.

Thế là từ 6 giờ ngày 9.9.2009, từ phía thôn Dụ Nghĩa đi ra, một cây tre chắn đường báo hiệu cho mọi người biết mỗi khi có tàu hỏa chạy qua được dựng lên. Cũng từ lúc ấy, ông ngày đêm ở lán, chú tâm theo dõi, nâng hạ cần chắn. Thời gian đầu, suốt ngày ông phải ngóng tiếng còi tàu; sau ông liên hệ với ga Dụ Nghĩa và trạm gác tàu Tân Tiến, được họ giúp đỡ mỗi khi có tàu qua sẽ báo để ông chủ động hạ cần chắn. Dần dần, ông xác định được tần suất tàu qua, và chủ động xử lý an toàn.

Ông Nguyễn Minh Hiệp - Bí thư cụm dân cư số 2, thôn Dụ Nghĩa nói: “Đoạn đường ngang này là ám ảnh của thôn vì quá nguy hiểm. Từ khi ông Xá ra trực, không còn vụ tai nạn nào nữa”.

Ước ao một cái lán mới

Năm lên 7 tuổi, một lần ông bị cảm nặng, y tá tiêm vào mông bị áp-xe gây teo gân. Từ đấy ông Xá bị liệt chân trái, không đi lại được, chỉ bò quanh nhà. Lớn lên, ông ý thức được cuộc sống không chỉ quẩn quanh trong nhà, nên xin bố mẹ cho đi học, rồi ngày ngày bò từ nhà đến lớp. Từ khi học lớp 5 đến lớp 7, ông Xá sáng học chữ, chiều lại tập tễnh chống nạng lên Dụ Nghĩa học cắt may và trở thành công nhân may.

Anh Nguyễn Văn Long - Trưởng ga Dụ Nghĩa, Hải Phòng cho biết: “Ở Hải Phòng, bác Xá là người duy nhất ra gác chắn không công. Phải khẳng định bác Xá làm rất tốt, từ khi bác làm không có bất kỳ một vụ tai nạn nào xảy ra. Ga Dụ Nghĩa thường xuyên liên hệ và cung cấp lịch trình các chuyến tàu qua địa phương cho bác. Về vật chất, ga không có gì ủng hộ, chỉ biếu bác bộ áo công nhân đường sắt và động viên tinh thần bác”.

Khi lấy vợ, ông bỏ nghề may, nhờ trường cấp 1 xã - nơi vợ ông làm giáo viên cho làm túp lều để ở tạm, rồi chuyên cần chăn nuôi, nhận ruộng khoán. Ông được rất nhiều người giúp đỡ những lúc khó khăn. Đó là một phần lý do khiến ông khi đã ở tuổi ngoại lục tuần vẫn làm đơn tình nguyện ra gác chắn.

Chủ tịch UBND xã Lê Thiện - ông Phạm Văn Hải khẳng định: “Việc làm của ông Xá là hiếm thấy. Địa phương còn khó khăn nên chưa ủng hộ gì được cho ông Xá, chỉ biết động viên hỏi thăm sức khỏe và công việc hàng ngày của ông… ”. Giờ đây cuộc sống của gia đình ông chỉ trông vào hơn 1,5 triệu đồng lương hưu của bà và khoản phụ cấp người tàn tật vẻn vẹn 180 nghìn đồng/tháng của ông, còn việc gác chắn của ông chưa có một chế độ nào nhưng không vì thế mà ông lơ đãng.

Tuy nhiên, chỉ có một điều làm ông day dứt, đó là từ sau cơn bão số 8 năm 2012, cái lán của ông đã bị xiêu vẹo lại càng xiêu vẹo và chống chếnh hơn. Sau mỗi cơn mưa, ông lại một mình hì hục, loay hoay bước thấp bước cao lấy cây chống đỡ cho cái lán để nó có thể trụ được ngày nào hay ngày ấy. Nhiều lúc ngồi đợi tàu về, ông lại bần thần ao ước giá như có được cái lán mới che mưa, che nắng để có sức canh đường.