Ngày 3.4, Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng Tây Bắc sẽ được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang.
Mở rộng cho vay vốn
Theo Ban chỉ đạo Tây Bắc, các tỉnh trong khu vực với nguồn tài nguyên phong phú, tiềm năng nhất trong cả nước về đất đai, khoáng sản, thủy điện và đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Tây Bắc có nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện, sản xuất giấy, xi măng và chế biến gỗ...
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN |
Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng, đồng thời, vùng Tây Bắc vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, như: Cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập và là rào cản lớn đối với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội của vùng.
Tây Bắc có địa hình đồi núi cao, giao thông đi lại giữa các địa phương còn nhiều khó khăn. Trong sản xuất, chi phí sản xuất ra sản phẩm lớn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp; Địa bàn phân tầng lớn, chia cắt mạnh nên đối với những dự án cần đầu tư hạ tầng lớn, dự án phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu đô thị quy mô lớn, hiện đại còn gặp nhiều khó khăn.
Khó thực hiện mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp để tạo ra các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, cơ cấu dân số của vùng với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu trầm trọng nguồn lao động đã qua đào tạo.
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Tăng trưởng nông nghiệp của vùng Tây Bắc rất mạnh, chủ yếu là SXNN và chăn nuôi. Tuy nhiên mức độ tăng thu nhập của cư dân vùng Tây Bắc còn kém do tổng lượng vốn đầu tư vào vùng còn hạn chế. Ông kiến nghị, các NH thương mại cần mở rộng cho vay vốn đầu tư máy móc, sản xuất và giáo dục, vấn đề bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp. Muốn đưa Tây Bắc đi lên cần đưa doanh nghiệp lớn vào vùng để phát triển sản xuất địa phương, kết nối thành chuỗi giá trị liên hoàn.
Lắng nghe trực tiếp từ doanh nghiệp
Sản phẩm tham gia triển lãm tại Hội Nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc |
Để khơi dậy tiềm năng, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kêu gọi xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng 4 ngân hàng thương mại là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank sẽ cùng vào cuộc để đầu tư cho vùng trọng điểm khó khăn này. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng Tây Bắc lần này, sự kiến sẽ có hàng loạt dự án hợp tác đầu tư giữa các đơn vị, địa phương với số tiền khoảng 20.000 tỷ đồng và 35 triệu USD được đầu tư vào khu vực Tây Bắc.
Trong thời gian này, Đoàn công tác của Chính phủ và đại biểu các tỉnh, thành phố sẽ tham quan một số điểm công nghiệp và du lịch của tỉnh. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, cho biết: NHNN muốn lắng nghe trực tiếp doanh nghiệp nói về những khó khăn vướng mắc của chính sách tín dụng nhằm sớm đưa ra biện pháp tháo gỡ.
Cũng theo ông Đào Minh Tú, cái khó cho tín dụng vào vùng Tây Bắc là tính liên kết của doanh nghiệp, người dân và ngân hàng còn kém. Sản xuất gặp nhiều khó khăn và đã xuất hiện nợ xấu quá hạn nên hạn chế NH rót vốn. Sắp tới, NHNN sẽ chỉ đạo để sớm thảo gỡ những khó khăn khăn về tín dụng bao gồm: Tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, tăng tính liên kết giữa nguồn vốn của NH và các nguồn vốn khác.
Khẳng định điều này, ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết, trong 2 năm tới, BIDV sẽ cho vay 105 doanh nghiệp thực hiện 116 dự án đầu tư tại khu vực Tây Bắc với tổng giá trị cam kết là 11.785 tỷ đồng.
Ngoài các dự án lớn, trong thời gian tới, BIDV sẽ đẩy mạnh cho vay cá nhân, hộ gia đình để phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tại Tây Bắc. Đồng thời, BIDV sẽ là đầu mối thu xếp vốn, kêu gọi các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước tài trợ cho các lĩnh vực ưu tiên của vùng như: Phát triển nông nghiệp - nông thôn; trồng - sản xuất, chế biến cao su; hạ tầng giao thông; doanh nghiệp vừa và nhỏ; các dự án ứng dụng công nghệ mới; các dự án phục vụ xuất khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp, các khu du lịch…
Trong khi đó, ông Bùi Như Ý, Phó Tổng giám đốc VietinBank khẳng định, VietinBank sẵn sàng cung cấp tín dụng cho các hoạt động SXKD trong vùng đến từng hộ gia đình, doanh nghiệp mà không phân biệt thành phần kinh tế.
Tài Dũng