"Tạch" một tiếng. Nhẹ như không. Nhưng thế là đủ cho một màn chào hỏi tâm đầu ý hợp. Cuộc trò chuyện không đầu, không cuối xung quanh chủ đề bóng đá, kết thúc bằng một chầu massage của tôi và HLV Henrique Calisto đã bắt đầu như thế.
"Massage giúp tôi thư giãn...”
Xin giải thích luôn: Tiếng "tạch" nọ chỉ là hành động… châm điếu thuốc lá mà tôi mời HLV Calisto, khi "ông Tô" vì quá "vật" và… buồn ngủ trong một cuộc họp “vặt” tại VFF cách đây cỡ 5-6 năm (khi đó trụ sở còn đóng ở phố Lý Văn Phức) nên quyết định ra ngoài thả hồn theo khói thuốc.
Lúc ấy, tôi xài Vinataba, còn ông Calisto (đang là HLV của Gạch Đồng Tâm Long An) khoái "3 số" nhưng quên… bật lửa nên ra chỗ tôi "xin chú tí bùi nhùi". Đơn giản vậy thôi, ấy thế mà cả một câu chuyện dài và vô cùng tâm đầu ý hợp về triết lý bóng đá, triết lý sống giữa chúng tôi tuôn trào, đến mức rời khỏi VFF, thêm chầu bia hơi ở ngõ Hàng Hương vẫn chưa đủ, HLV Calisto còn "tha thiết" rủ tôi đi… massage.
Cũng xin nói rõ để tránh mọi sự hiểu lầm (và đỡ mang tiếng cho tôi cũng như vị HLV): Chúng tôi đi massage trong sáng ở một địa điểm massage quen thuộc của Calisto trên đường Láng mỗi khi có dịp ra Hà Nội (ông Calisto bảo với tôi vậy).
Khác hẳn với ý nghĩ đầy dấu hỏi của tôi khi nhận được lời mời, ông Calisto tỏ vẻ phóng khoáng: "Tôi mời. Massage giúp tôi thư giãn, cả về thể chất lẫn tinh thần". Hiển nhiên, được Calisto mời, tôi thấy "oách" lắm!
Nhưng massage đương nhiên chỉ là cái cớ, bia cũng chỉ là "gia vị". Chủ đề chính trong cuộc gặp gỡ thú vị giữa tôi và Calisto lúc đó không có gì khác ngoài bóng đá. Ngay sau "chầu" massage đó, ông Calisto lại nhờ tôi đến nhà nhiếp ảnh gia thể thao kỳ cựu Phan Sang xin ảnh về các đội bóng vừa tham dự một giải đấu quốc tế...
Cả cuộc gặp gỡ hôm ấy, Calisto nói nhiều đến mức, tôi chỉ nghe là chính. Dĩ nhiên, Calisto không hề "nổ", nếu không muốn khẳng định ông là một người nói chuyện rất duyên và rất biết cách "hút hồn" người đối diện.
Ông Calisto nói thoạt nghe như tràng giang đại hải, chẳng đâu vào đâu và thậm chí, người kỹ tính thấy ông chỉ "thích" kêu ca là chính, nhưng ngẫm lại mới thấy, Calisto thực sự sâu sắc, "sắc" đến mức ông bắt trúng mọi kẽ hở của luật bóng đá chuyên nghiệp nhưng chưa hoàn chỉnh tại V-League để "lách luật" rất hợp lý.
Thương “quân” như con
Trên sân tập và cả trên sân cỏ, Calisto sẵn sàng quát tháo, mắng mỏ bất cứ cầu thủ nào không thực hiện đúng một đường chuyền, một động tác luyện tập không ưng ý.
Nhưng, khi nhâm nhi cốc bia hơi và nhai mực nướng với tôi ở vỉa hè, ông Calisto bộc bạch: "Tôi sống với cầu thủ bằng cái tâm. Thương phải cho roi, cho vọt. Thế mới giúp họ nghiêm túc sống với nghề, biết trân trọng và yêu nghề".
Ông Calisto chẳng nói, nhưng những phóng viên thể thao đều biết rõ, ông từng xách ghế ngồi thâu đêm ở sảnh khách sạn trong một giải đấu quốc tế để… điểm danh học trò, đến khi yên tâm là không có ai "vượt rào", ông mới lặng lẽ đi chợp mắt.
Ngay trước thềm AFF Suzuki Cup 2010, "ông Tô" cũng thẳng thắn: "Nếu phải công bố tên các cầu thủ bị loại khỏi danh sách dự giải, tôi sẽ là người trực tiếp trao đổi với các học trò. Nhưng chắc chắn điều đó không phải là khó khăn lớn nhất bởi đây là công đoạn cuối cùng, sau những tính toán có logic của cả quá trình trước đó".
Thử hỏi, nếu không thương học trò và không am tường bóng đá Đông Nam Á nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng, mấy ai làm được thế và mấy ai biết cách biến khó thành dễ (về mặt tâm lý) đơn giản vậy?
Triết lý "fighting"
Hiển nhiên, Calisto chẳng phải con người nhã nhặn gì cho cam, nếu không muốn nói là rất dễ "bùng nổ" chẳng đúng lúc, đúng chỗ. Mấy ai chấp nhận cái kiểu một ông thầy đường đường chính chính là HLV đội tuyển bóng đá quốc gia mà lại "mạnh dạn"… tung cước vào mông HLV đối phương (HLV Constantine của đội tuyển Ấn Độ) cách đây mấy năm, rồi ở vòng bảng AFF Suzuki Cup 2010 thì thẳng thừng từ chối bắt tay HLV Mc Menemy của đội tuyển Phillippines sau trận thua ấm ức 0-2 vì cho rằng "đối phương đá quá… bẩn".
Chỉ một hành động giản đơn đó cũng đủ thấy, Calisto là người nóng tính và đôi chút bốc đồng. Nhưng, có lẽ như thế mới chính là con người thực của Calisto. Bởi, triết lý bóng đá của Calisto là "fighting", là "chiến đấu", nên ở các giải đấu chính, ông không chấp nhận thất bại với bất kỳ lý do và hình thức nào.
Thú thực là từ cuộc bia vỉa hè, massage cách đây mấy năm, tôi không nhất trí lắm với quan điểm bóng đá của Calisto. Tôi đã góp ý rằng, chẳng phải lúc nào, ý chí cũng bù đắp được tất cả, nhưng ông Calisto lại gạt phắt.
Đến giờ, ngẫm lại mới chợt hiểu, hóa ra, với một nền bóng đá "chuyên nghiệp trên lý thuyết" như Việt Nam, trang bị cho các học trò "vũ khí tinh thần" là yếu tố quan trọng nhất. Chẳng nói đâu xa, nhờ vũ khí ấy, Việt Nam đã đăng quang tại AFF Suzuki Cup 2008...
Giờ, đội tuyển VN lại gặp khó. Nhưmg quyền tự quyết vẫn ở trong tay chúng ta. Với Calisto, tôi luôn tin rằng, ông sẽ tìm ra liệu pháp tâm lý tốt nhất để khôi phục ý chí chiến đấu cho các học trò.
Đức Hiếu