Dân Việt

Phát triển giống cây trồng: Công nhận nhiều, ứng dụng ít

Nguyễn Hữu 06/09/2013 09:22 GMT+7
Tại hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng lần thứ nhất do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 5.9 ở Hà Nội, nghịch lý này đã được thẳng thắn nhìn nhận.
1 tháng công nhận gần 10 giống

Theo PGS - TS Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VASS), trong 2 năm (2011- 2012), Viện đã được Bộ NNPTNT công nhận 161 giống cây trồng, trong đó công nhận chính thức 60 giống, sản xuất thử 101 giống. Như vậy tính bình quân mỗi tháng có gần 7 giống “ra lò”. Còn theo TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đến nay Viện cũng đã nghiên cứu chọn tạo và được Bộ NNPTNT công nhận, cho phép đưa vào sản xuất 132 giống lúa, trong đó có 63 giống được công nhận chính thức và 69 giống được công nhận sản xuất thử. Riêng giai đoạn 2011 - 2012, số giống lúa của Viện được công nhận và cho phép đưa vào sản xuất là 27 giống (12 giống chính thức và 15 giống sản xuất thử).

 Chọn tạo giống lúa tại Thái Bình.
Chọn tạo giống lúa tại Thái Bình.

Tuy nhiên, theo ông Bộ, kết quả nghiên cứu về giống cây trồng của nước ta chưa bền vững, nhiều giống sản xuất chưa ổn định. Hàng năm, tuy có khá nhiều giống được công nhận, nhưng số giống tồn tại trong sản xuất ở quy mô lớn thì rất khiêm tốn. Thực tế, các giống có quy mô diện tích trên 50.000ha phần lớn là giống của 5 - 10 năm trước, thậm chí trên 10 năm trước, đặc biệt là các giống rau, điều, hồ tiêu, đậu tương. Hơn nữa, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà dẫn tới một thực tế đáng báo động là để tồn tại trong sản xuất bộ giống quá lớn tại mỗi địa phương, mà lại chưa có được nhóm giống chủ lực cho mỗi vùng. Điều này khiến chất lượng nông sản của nước ta không đồng đều, khó cạnh tranh, giá bán thấp...

PGS - TS Nguyễn Văn Bộ nhấn mạnh, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần chọn lọc và phát triển được bộ giống cây trồng, cũng như xây dựng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến cho từng vùng trọng điểm theo hướng chất lượng và hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và cải thiện thu nhập của người dân; phát triển vùng sản xuất nông sản chủ lực, trọng điểm phục vụ xuất khẩu với mô hình sản xuất hiện đại, phù hợp.

Danh mục giống đồ sộ

Trước những thách thức mà ngành sản xuất giống cây trồng đang phải đối mặt, Ths Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định công tác nghiên cứu, chọn tạo, công nhận và đưa giống cây trồng ra sản xuất ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của khí hậu theo hướng tiêu cực, hệ lụy của nó với hệ sinh thái và đặc biệt là sự hội nhập của Việt Nam với kinh tế thế giới, vấn đề cạnh tranh trong sản xuất và xuất khẩu các ngành hàng nông sản chủ lực…, đòi hỏi chúng ta cần đánh giá khách quan về công tác giống cây trồng hiện nay để có định hướng đúng đắn, hiệu quả trong những năm tới.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Bộ, trong 2 năm (2011 - 2012), có 12 giống của VASS được thương mại hóa, trong đó có 3 giống lúa, 8 giống ngô và 1 giống lạc, tổng giá trị đạt 31,7 tỷ đồng.


Ths Định cho rằng, ngành sản xuất giống cây trồng còn quá nhiều hạn chế, bất cập trong thủ tục quy định khảo nghiệm, công nhận giống. Đặc biệt, phải nhìn thẳng vào thực tế là số giống được khảo nghiệm, công nhận nhiều, nhưng giống thực sự tốt, được nông dân mở rộng gieo trồng thì còn rất ít; giống có chất lượng, giá trị cao ở cả 2 vùng sản xuất trọng điểm chưa thực sự nổi bật và chưa hỗ trợ cho việc cạnh tranh với nông sản các nước trong khu vực.

Ths Định cũng nhấn mạnh, một trong những nghịch lý tồn tại từ lâu mà vẫn chưa được giải quyết là quản lý giống theo danh mục. “Việc bổ sung hàng vụ, hàng năm khiến danh mục giống trở nên đồ sộ, chỉ có bổ sung mà không loại trừ, cũng chưa có phí duy trì danh mục kiểu như danh mục bảo hộ” – Ths Định cho biết thêm.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, để làm tăng giá trị xuất khẩu nông sản cần chú ý đến chất lượng giống; riêng về lúa gạo, để thực sự là sản phẩm quốc gia thì cần nghiên cứu, chọn tạo các giống có năng suất, chất lượng cao gắn với canh tác đồng bộ theo hướng giảm giá thành đầu vào…