Dân Việt

Xem “Hồn Trương Ba...” bằng kịch hình thể

Hà Thu 28/08/2013 06:28 GMT+7
Tối 26.8, tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) đã diễn ra buổi tổng duyệt vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” -vở được chọn tham gia liên hoan các tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ (tổ chức vào tháng 9 tới).
Đây là vở kịch được nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết vào năm 1983, dựa theo truyện dân gian “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nội dung có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Cho đến nay, đây là vở kịch hiện đại duy nhất của Việt Nam tiếp cận được với sân khấu quốc tế.

Vở kịch từng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam và đã giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1990. Đây cũng là vở kịch nói đầu tiên được mang ra nước ngoài công diễn, trong đó có nhiều buổi diễn tại Mỹ.

Vở kịch ra đời khi tài năng của Lưu Quang Vũ đang ở độ chín với sức sáng tạo mạnh mẽ nhất, được coi là tác phẩm xuất sắc nhất, tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tạo của ông. Bởi vậy, việc làm mới vở kịch được xếp vào hàng kinh điển của sân khấu Việt Nam bằng cách thể hiện kịch hình thể của NSND Lan Hương được khá nhiều người đánh giá là... mạo hiểm.

Cảnh trong vở “Hồn Trương Ba  da hàng thịt” trên sân khấu kịch hình thể.
Cảnh trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” trên sân khấu kịch hình thể.

Ý tưởng thể hiện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” với nghệ thuật hình thể và các thể nghiệm sân khấu đương đại pha trộn vũ đạo và âm nhạc tuồng đã mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ cho khán giả. NSND Lan Hương cho biết chị đã kết hợp vũ đạo của tuồng, ánh sáng và âm nhạc để làm sợi dây xuyên suốt cho vở diễn này.

“Đoàn của tôi từ trước tới nay đã có những nét rất đặc trưng của âm nhạc mà không lẫn đi đâu cả, rất sôi động, nhiều khi nghe đoạn nhạc hay ở thời điểm này nhưng lại không hợp ở đoạn khác, cho nên âm nhạc của vở là sự kết hợp của rất nhiều đoạn gốc này với đoạn gốc khác. Ngoài ra, yếu tố tuồng trong tác phẩm như để đề cao tính dân tộc...”- Lan Hương chia sẻ.

Theo đạo diễn của vở diễn, vì là kịch hình thể, có cả múa đương đại nên chị đã phối hợp rất nhiều trích đoạn tuồng để phù hợp với tình cảm của nhân vật như: “Đào Tam Xuân lộng trào” thể hiện cho bà vợ của Trương Ba lên thiên đình đòi lại sự sống cho chồng cũng như nỗi đau của Tam Xuân khi chồng chết.

Hoặc tích “Châu Sương cấy râu” cũng có hình ảnh của Đế Thích muốn xuống hạ giới đánh cờ thì hai ông Nam Tào - Bắc Đẩu đã cấy râu cho Đế Thích để thay đổi khuôn mặt. Với tích “Kim Lân qua đèo”, Kim Lân cầm đuốc thay cho đầu, thì đạo diễn cũng để cho Trương Ba cầm đuốc đi tìm hồn của mình để muốn nhập lại, cũng từ đấy mà cho hồn và xác giằng xé, đối thoại với nhau.

Dù là kịch cổ điển hay làm mới bằng kịch hình thể thì “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” vẫn luôn là một tác phẩm gây ám ảnh cho người xem chính bởi lời thoại đầy tính triết lý sâu xa của các nhân vật. Đọng lại mãi trong tâm trí nhiều người xem là lời thoại của cô con dâu ông Trương Ba nói với bố chồng: “Đã gọi là hồn làm sao có hình thù, bởi nó không là vuông hay tròn, mà là vui buồn, mừng giận, yêu ghét. Thầy vẫn dạy chúng con: Cái bề ngoài có quan trọng gì, chỉ có tấm lòng yêu thương và trí tuệ cao sáng của con người ta là đáng kể”.